Đại biểu Quốc hội đề nghị nhân rộng việc sử dụng xe mô tô chữa cháy chuyên dụng tại các ngõ, hẻm sâu

Thảo luận tại hội trường chiều 27/6, đại biểu Quốc hội cho biết, lực lượng công an đã nhập một số loại xe gắn máy dùng chữa cháy, phù hợp với việc chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ở các ngõ sâu, hẻm nhỏ ở các đô thị.

 Xe mô tô chữa cháy chuyên dụng. Ảnh Tổ quốc

Xe mô tô chữa cháy chuyên dụng. Ảnh Tổ quốc

Tiếp tục chương trình chiều 27/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, cho biết: Thực tế hiện nay tại các đô thị có nhiều ngõ hẻm nhỏ, các phương tiện kỹ thuật chữa cháy chuyện dụng không thể phát huy tác dụng, không thể tiếp cận được khu vực cháy. Đại biểu cho biết, lực lượng công an có nhập một số loại xe gắn máy dùng chữa cháy, hoặc xe tự chế có chức năng chữa cháy để tiếp cận các khu vực ngõ nhỏ, hẻm sâu.

Phương tiện này cũng chở được máy phát điện, máy bơm chữa cháy, bình chữa cháy cầm tay, vòi chữa cháy, các dụng cụ phá dỡ để cứu nạn... Đại biểu cho rằng, cần phải trang bị các thiết bị mô tô chữa cháy cho lực lượng chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Qua đó tăng hơn nữa cơ hội cứu sống cho các nạn nhân trong những đám cháy ở ngõ sâu, hẻm nhỏ.

Tuy vậy, đại biểu Văn Cảnh cũng nêu ra thực tế là "khi đám cháy xảy ra trong ngõ sâu, nước chữa cháy để cung cấp cho phương tiện này lấy ở đâu?". Hiện tại, Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt các trụ nước tại các hẻm nhỏ. Nếu trụ này kết hợp với mô tô gắn máy chữa cháy sẽ nâng cao được hiệu quả chữa cháy, cứu nạn ở những nơi mà phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận, hoặc tới chậm. "Mô hình này nếu hiệu quả cần nhân rộng cả nước" - đại biểu Cảnh đề xuất.

Dàn phương tiện mô tô chữa cháy chuyên dụng được nhập khẩu về Việt Nam

Dàn phương tiện mô tô chữa cháy chuyên dụng được nhập khẩu về Việt Nam

Thảo luận về phương tiện chữa cháy, đại biểu Phạm Đình Thanh, đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, cho rằng: Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời cần có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.

Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định thêm vào dự thảo Luật này các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy đã được nêu tại Mục 5 Chỉ thị số 47; Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý các tình huống nếu xảy ra các sự cố, tai nạn, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 04 tại chỗ; thường xuyên tổ chức diễn tập, thực hành cho Nhân dân về phòng cháy, chữa cháy;….

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, thảo luận

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, thảo luận

Được biết, từ năm 2018, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) nhập khẩu từ nước ngoài và đưa vào sử dụng loạt mô tô chữa cháy chuyên dụng, phù hợp với đường phố, ngõ nhỏ tại các thành phố lớn ở nước ta.

Mỗi xe được trang bị hệ thống chữa cháy dùng khí nén áp suất cao 20 Bar để đẩy nước, bọt chữa cháy, bình khí sạch loại 6-6,8 lít ở áp suất 300 Bar.

Dung tích bình chứa chất chữa cháy là 40 lít (2 bình x 20 lít); trang bị 01 cuộn vòi ru lô dài 30 mét và 01 lăng phun đa tác dụng; lưu lượng phun 22-23 lít/ phút, có thể khống chế nhanh đám cháy nhỏ ban đầu.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-nhan-rong-viec-su-dung-xe-mo-to-chua-chay-chuyen-dung-tai-cac-ngo-hem-sau-20240627154421438.htm