Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng ngay, tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, khẩn thiết: Vì sinh mạng nhân dân xin đừng chần chừ và nương nhẹ. Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế với thuốc lá.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thảo luận
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 9/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tiếp thu, chỉnh lý một số điều của dự thảo Luật, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho biết: Để có thể tác động mạnh đến giá bán của các mặt hàng có hại cho sức khỏe, làm giảm tiêu dùng, khắc phục các hệ lụy nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia và tác hại của thuốc lá, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã đưa ra 2 phương án tăng thuế, cụ thể:
Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027-2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, cùng với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ đề nghị áp dụng theo phương án 1 với mức thuế thấp hơn so với phương án 2 và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 đề phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc, nằm trong con số 15 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới, ước tính mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các bệnh gây ra do hút thuốc chủ động và tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Theo báo cáo nghiên cứu của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, chi phí y tế cho điều trị và mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm liên quan đến sử dụng thuốc lá hằng năm ở Việt Nam ước tính lên đến 108.000 tỷ đồng, tức là khoảng 4,5 tỷ USD, tương đương 1,14% GDP.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới thì thuế thuốc lá là biện pháp nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, từ đó góp phần giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. WHO cũng khuyến cáo thuế thuốc lá nên chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ để đạt hiệu quả tối ưu trong việc giảm tiêu thụ các sản phẩm này.

Các đại biểu tại phiên họp
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, so với các nước ASEAN thì Việt Nam đang ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá là khoảng 36%, thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan là 78,6%, Philippines là 71,3%, Singapore là 67,5%. Điều này khiến giá thuốc lá tại Việt Nam vẫn thuộc loại hàng rẻ nhất Đông Nam Á.
Theo đó đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: "Vì sinh mạng nhân dân xin đừng chần chừ và nương nhẹ. Quốc hội xem xét để tăng ngay, tăng mạnh và tăng thường xuyên thuế thuốc lá".
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, bày tỏ tán thành chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Chi phí điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra đang là gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế và ngân sách nhà nước. Đáng nói hơn, thuốc lá còn gây tác hại đối với cả những người không hút thuốc, những người phải hút thuốc thụ động, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một công cụ can thiệp chính sách rất hiệu quả.
Để chính sách này phát huy hiệu quả toàn diện, đại biểu Việt Nga đề nghị: Cần tiếp tục tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá tại các khu vực biên giới, ngăn chặn hiện tượng thuốc lá lậu tràn vào thị trường nội địa, vừa gây thất thu thuế và vừa mất kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn thu thuế từ thuốc lá, đặc biệt là nên dành một phần ổn định cho Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và tập trung vào các hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và tăng cường các dịch vụ y tế cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức, đặc biệt việc thực thi quy định cấm hút thuốc khu vực nhất định, bởi quy định hiện nay khá rõ ràng, đầy đủ nhưng việc thực thi chưa nghiêm túc, đặc biệt là những khu vực cấm hút thuốc lá, những khu vực công cộng.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, thảo luận
Đồng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cho biết: Việc xây dựng biểu thuế kết hợp, thuế suất phần trăm và mức thuế tuyệt đối với các mặt hàng như thuốc lá, xì gà, rượu, bia là bước tiến tích cực nhằm đảm bảo công bằng thuế và tăng hiệu quả điều tiết hành vi tiêu dùng gây hại cho xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ tác động xã hội của lộ trình tăng thuế, đặc biệt đối với người thu nhập thấp vốn là nhóm tiêu dùng thuốc lá rẻ tiền, bia giá thấp, cần kết hợp chính sách thuế với chính sách hỗ trợ y tế, truyền thông thay đổi hành vi đối với ngành nghề truyền thống, lao động thủ công như rượu ngâm, rượu men lá, thuốc lào, thuốc sợi. Việc áp dụng mức thuế cao và tuyệt đối có thể ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân nông thôn, miền núi cần có cơ chế hỗ trợ hoặc mức thuế riêng phù hợp.
Đồng thời đề nghị quy định rõ tỷ lệ và mục đích sử dụng nguồn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Cụ thể, tối thiểu từ 30 đến 50% nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nên được đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm, Quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi.