Đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập Khu thương mại tự do tài chính Đà Nẵng

Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về cơ chế đặc thù cho TP. Đà Nẵng và Nghệ An; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Phát biểu tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với việc có cơ chế đặc thù mới cho 2 địa phương là Đà Nẵng và Nghệ An. Riêng về Đà Nẵng, có ý kiến đề nghị thành lập 'Khu thương mại tự do tài chính' thay bằng 'Khu thương mại tự do'.

Đề nghị thành lập “Khu thương mại tự do tài chính” Đà Nẵng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) và một số ĐBQH phát biểu bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.

ĐB Trịnh Minh Bình: Cần cơ chế hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ và tạo việc làm cho người lao động.

ĐB Trịnh Minh Bình: Cần cơ chế hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ và tạo việc làm cho người lao động.

Theo ĐB Trịnh Minh Bình, danh mục ngành, nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP. Đà Nẵng cần bổ sung dự án hệ thống siêu thị máy tính và dự án trung tâm dữ liệu. Điều này nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, tăng khả năng cạnh tranh cho TP. Đà Nẵng, đồng thời, hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ và tạo việc làm. Khoản 2 Điều 12 quy định các điều kiện nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng mới chỉ tập trung vào điều kiện về vốn và đào tạo nguồn nhân lực.

ĐB đề xuất, thành phố cần bổ sung các điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể là 2 điều kiện: Một là, có cam kết bằng văn bản hợp tác với doanh nghiệp địa phương để chuyển giao công nghệ; hai là, cam kết đầu tư dài hạn và có kế hoạch phát triển bền vững tại Đà Nẵng.

Có ý kiến đề nghị Đà Nẵng nên thí điểm thành lập “Khu thương mại tự do tài chính” thay vì “Khu thương mại tự do” như đề xuất tại dự thảo Nghị quyết.

Bởi vì, sự kết hợp giữa thương mại và tài chính trong khu tự do sẽ tạo sự linh hoạt cho nhà đầu tư, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào Đà Nẵng. Khu thương mại tự do tài chính này có thể cung cấp các dịch vụ tài chính tiên tiến, qua đó thu hút các tập đoàn lớn. Đồng thời, tạo môi trường thử nghiệm để phát triển thị trường tài chính; giúp Đà Nẵng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các nước trong khu vực, ví dụ Singapore.

Khẳng định sự cần thiết hình thành “khu thương mại tự do tài chính”, đại biểu cho rằng, không chỉ mang lại lợi ích cho TP. Đà Nẵng mà còn góp phần vào sự phát triển của quốc gia.

Đồng tình cho phép thí điểm đặc thù đối với tỉnh Nghệ An, song ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, cùng với việc giao quyền lớn, vượt trội cho tỉnh Nghệ An thì cũng cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện, tránh lạm quyền.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, các chính sách cần thể hiện được tính đặc thù riêng biệt trong phát triển kinh tế, văn hóa của tỉnh Nghệ An; có tính đột phá hơn nữa theo mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW là tạo sức bật mới nhằm phát triển Nghệ An xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

“Thị thực vàng”, ưu đãi thuế nhằm thu hút nhân lực cao

Phát biểu tại tổ, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, đại biểu hoàn toàn tán thành việc bổ sung các chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm tại dự thảo Nghị quyết này.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau): Cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 5 năm cho chuyên gia và gia đình.

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau): Cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 5 năm cho chuyên gia và gia đình.

ĐB lý giải, việc phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo của TP. Đà Nẵng là một nhiệm vụ rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới không chỉ người dân Đà Nẵng mà còn với cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, đòi hỏi nhiều tới sự đầu tư và quan tâm từ mọi cấp chính quyền, từ Trung ương tới Đà Nẵng.

Cho ý kiến làm rõ thêm các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ tại Đà Nẵng, có đại biểu kiến nghị cần thử nghiệm có kiểm soát các loại hình công nghệ mới trên địa bàn thành phố.

Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều công nghệ mới yêu cầu phải được thử nghiệm trong môi trường thực tế, không chỉ trong môi trường mô phỏng như tại các khu công nghệ, mới có trở nên tiên tiến hơn được.

Do đó, cần quy định cho phép doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể được thử nghiệm có kiểm soát các loại hình công nghệ mới trên địa bàn toàn thành phố, thay vì chỉ trong một số phạm vi địa lý hẹp như đang được quy định trong dự thảo Nghị quyết.

Việc phát triển và bảo đảm nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ cao là một vấn đề hệ trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở các quốc gia khác trên thế giới. Đây cũng là vấn đề được ĐBQH quan tâm cho ý kiến.

Bên cạnh các giải pháp ưu đãi đó, ĐBQH Tạ Thị Yên cũng đề nghị cần xem xét thí điểm chính sách “thị thực vàng” và việc ưu đãi thuế thu nhập đối với những cá nhân nước ngoài có chức vị, học vấn cao sinh sống, làm việc trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không gian đổi mới sáng tạo do ngân sách thành phố đầu tư của Đà Nẵng.

Điều này sẽ góp phần thu hút tài năng công nghệ cao trên toàn thế giới đến với Đà Nẵng, đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng công nghệ vào đời sống trên địa bàn thành phố, cũng như trên cả nước.

Đây cũng là những cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đưa Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

Có đề xuất giống với ĐB Tạ Thị Yên, ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cũng kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, chú trọng đến chính sách nhập cư thuận lợi cho người nước ngoài. Trong đó, có chính sách “thị thực vàng” là một chính sách quan trọng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

"Trên thế giới, đã có nhiều nước áp dụng chính sách thị thực vàng thành công. Ví dụ như chính phủ Úc có chương trình visa đầu tư và đổi mới kinh doanh cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận visa thường trú khi đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương. Các nước Ả Rập Xê Út (UEA) cung cấp quyền cư trú dài hạn (lên đến 10 năm) cho các nhà đầu tư, doanh nhân, và chuyên gia trong các lĩnh vực chiến lược và nhiều nước khác..." - ĐB Nguyễn Duy Thanh nói.

ĐB đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm chính sách thị thực vàng đối với thành phố Đà Nẵng; đó là cho phép quyền cư trú và làm việc hợp pháp đến 5 năm cho chuyên gia và gia đình họ, là những chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp, là nhà đầu tư chiến lược cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực theo quy định.

Dự thảo Nghị quyết đã bao gồm các chính sách đặc thù về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, cũng như thí điểm các chính sách ưu đãi về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-thanh-lap-khu-thuong-mai-tu-do-tai-chinh-da-nang-152043.html