Đại biểu Quốc hội đề nghị tổng rà soát bằng thạc sĩ, tiến sĩ của cán bộ

Nói đến việc xử lý một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam liên quan 'lò ấp' tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị tổng rà soát bằng thạc sĩ, tiến sĩ trong toàn bộ máy nhà nước.

XEM VIDEO:

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) kiến nghị 5 vấn đề. Ông đề nghị ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, lý do được ông đưa ra do 3 đột phá chiến lược nhưng đến nay chưa được giải quyết căn bản. Trong khi đó thể chế là nền tảng của kiến tạo, phát triển trong quản trị quốc gia.

ĐB lý giải: "Nếu thành lập Ban chỉ đạo này cần tập trung vào 3 nhóm thể chế. Trong đó thể chế nhà nước tập trung vào phân công, kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền. Phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính hướng tới Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân".

ĐB Lê Thanh Vân

ĐB Lê Thanh Vân

Nói đến việc xử lý một số cán bộ chủ chốt ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam liên quan "lò ấp" tiến sĩ, ĐB Vân đề nghị tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ trong toàn bộ máy nhà nước. Ông cho rằng, việc này là để sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm quản lý điều hành của cả hệ thống.

ĐB tỉnh Cà Mau đề nghị hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục và y tế trên 4 phương diện. Cụ thể là độc lập, tự chủ về mô hình, phương thức hoạt động; độc lập, tự chủ về nhân sự; tự chủ về ngân sách, tài chính; và tự chủ về đầu tư. Theo ông, như vậy mới có đột phá về chất lượng nhân sự và chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

"Còn trao quyền nửa vời còn khó có thể phát huy được tính năng động, sáng tạo. Đặc biệt là tính cấp bách hiện nay phải có các giải pháp thích ứng, ví như có thể ghi trong nghị quyết chung của kỳ họp, cho các đơn vị chào giá cạnh tranh để được phép mua trang thiết bị, y tế, thuốc chữa bệnh", ông Vân nêu thêm.

Vừa qua các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, theo ông đây là vấn đề rất đúng đắn, kịp thời, làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên vẫn có những đối tượng tung tin bịa đặt gây hoài nghi về các giải pháp này, đề nghị trừng trị thích đáng, bên cạnh đó cũng cần có chính sách khoan dung với doanh nhân ăn năn hối cải, lập công chuộc tội, bởi đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải vật chất cho xã hội".

Về an ninh năng lượng trong bối cảnh có biến động trong xăng dầu, điện tiêu thụ, ông đề nghị Chính phủ sớm rà soát cách tính giá điện mua vào, đồng thời điều chỉnh thích hợp với giá điện năng lượng tái tạo, điện rác, phù hợp với yêu cầu cạnh tranh về giá. Khẩn trương có biện pháp thích hợp về tài chính để hỗ trợ bù giá bao tiêu cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn theo nghị quyết 42 của Quốc hội để tăng cường năng lực sản xuất xăng dầu cung ứng cho xã hội, tránh tình thế biến động như vừa qua.

Doanh nghiệp khát vốn sau sự cố của FLC, Tân Hoàng Minh

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) bày tỏ, các nhà đầu tư rất kỳ vọng dòng vốn trên thị trường dồi dào, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn và các dự án đầu tư có đủ nguồn lực để triển khai nhanh hơn. Điều này xuất phát từ mức tăng trưởng tín dụng năm nay kế hoạch là 14%, lạm phát ở mức thấp khi dự báo cả năm dưới 4%.

Nhưng thực tế, theo ĐB, doanh nghiệp đang khát vốn, nhiều dự án đình trệ do không thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp hiện đối mặt nhiều khó khăn sau 2 sự cố FLC, Tân Hoàng Minh.

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng

ĐB Nguyễn Mạnh Hùng

Trong bối cảnh nhiều thách thức, ĐB đề nghị cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững.

Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, tránh cung tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây hệ lụy nợ xấu, tạo bất ổn cho nền kinh tế.

Đồng thời, trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chi phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay và đồng thời giảm lãi suất ở một số các lĩnh vực như Bộ trưởng Công Thương đã nói ở lĩnh vực xăng dầu.

Bên cạnh đó, sớm có giải pháp triển khai hiệu quả các cái gói hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 43, phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-nghi-tong-ra-soat-bang-tien-si-thac-si-cua-can-bo-trung-cap-cao-cap-2074884.html