Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, theo đó các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực. Tuy có nhiều khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Yên cho rằng, tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt, có nguy cơ kéo dài, dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức, vừa chia cắt, vừa bảo hộ thị trường, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nền kinh tế nước ta.
"Trong sự bất ổn đó của nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế"- đại biểu Yên khẳng định.
Để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, đại biểu Yên cho rằng, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như: Cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày…, phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ.
Cần có chính sách tạo đột phát trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Đại Thắng- đoàn Hưng Yên đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Theo đó, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 còn một số hạn chế, tồn tại như: Tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistics trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp:
Thứ nhất, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Thứ hai, tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…
Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thì lĩnh vực phát triển lưới điện nông thôn cũng được được đại biểu Hoàng Quốc Khánh - đoàn Lai Châu đề cập đến.
Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
Đại biểu đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, đại biểu cho hay, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua nêu rõ: Đẩy nhanh tiến độ cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2021-2025, tuy nhiên đến nay đã giữa năm 2024, theo báo cáo của Bộ Công Thương vẫn còn khoảng 160.000 hộ chưa có điện, 715.000 hộ dân cần cải tạo lưới điện trên địa bàn khoảng 3000 xã, trong đó có một số xã biên giới đặc biệt khó khăn (1.075 xã theo báo cáo) với nhu cầu kinh phí đầu tư trên 29.000 tỷ đồng.
"Nội dung này, ngay từ năm 2021 Chính phủ và Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo; tuy nhiên, theo trả lời của cơ quan chức năng đến nay chưa có kinh phí đầu tư. Đây là những dự án đầu tư lớn không thể thu hồi vốn ngay, cần có lộ trình thứ tự ưu tiên. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm vì từ nay đến hết năm 2025 thời gian không còn nhiều"- đại biểu Khánh cho hay.
Đại biểu Khánh cho biết, riêng Lai Châu theo quy hoạch đã hòa lưới điện quốc gia trên 2.000MW với 40 thủy điện lớn và nhỏ hoạt động, tuy nhiên vẫn còn 22 bản chưa có điện tập trung chủ yếu ở các xã biên giới vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số miền núi, nguồn kinh phí ước tính toán khoảng 200 tỷ, địa phương không thể tự cân đối được.
"Cử tri đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư điện để năm 2025 - kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước người dân vùng chưa có điện sẽ được xem truyền hình trực tiếp."- đại biểu Khánh nhấn mạnh.