Đại biểu Quốc hội đề xuất không quy định cấp thẻ căn cước người dưới 14 tuổi theo yêu cầu
Thảo luận dự thảo Luật Căn cước ngày 25/10, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục nêu quan điểm về những quy định cấp thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi theo yêu cầu, cũng như cấp 'giấy chứng nhận căn cước' cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch.
Thảo luận về dự thảo Luật Căn cước, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn ĐBQH - Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị không quy định việc cấp thẻ căn cước đối với người dưới 14 tuổi theo yêu cầu. Đại biểu bày tỏ quan điểm, mặc dù Ủy ban thẩm tra, Ban soạn thảo cho rằng không gây lãng phí nhưng tôi thấy rằng sẽ có lãng phí. Tuy nhiên mức độ lãng phí như thế nào còn tùy thuộc vào việc chúng ta triển khai tổ chức thực hiện.
Theo đại biểu Phúc, khi trẻ em đăng ký khai sinh đã được cấp định danh cá nhân. Đồng thời, quy định vào luật thì phải thực hiện chứ không thể "thực hiện theo nhu cầu", sẽ có tình trạng không đồng bộ, làm khó cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét không quy định điểm a khoản 1 Điều 23 liên quan đến việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi. Bởi vì quy định cơ quan quản lý căn cước không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người 6 tuổi và phần mềm VNeID hiện nay cũng đã tích hợp đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ có cập nhật người phụ thuộc nên cha mẹ, người đại diện hợp pháp cho trẻ có thể tích hợp thông tin cho con dưới 6 tuổi vào phần mềm mà không cần phải phát sinh thủ tục liên quan đến việc cấp căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi.
Cũng liên quan tới trẻ em và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, đoàn ĐBQH Hải Dương,cho rằng, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, đang sinh sống tại Việt Nam là vấn đề đã tồn tại ở nước ta. Do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư, nhưng lâu nay chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào giải quyết cơ bản đầy đủ về vấn đề này.
Họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và phải được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, do không có giấy tờ, chưa xác định được quốc tịch, không có hộ chiếu, không căn cước nên rất khó khăn trong việc quản lý. Đặc biệt, hạn chế rất nhiều trong việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, tìm kiếm việc làm, học tập, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội. Theo đại biểu, phần nhiều trong số họ là những người yếu thế, là người di cư, cư trú không ổn định, là người dân tộc thiểu số, là trẻ em, người nghèo, người sinh sống trên địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Ttrải qua nhiều thế hệ con cháu đều không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.
Theo đại biểu Ngọc Dung, thực tiễn hiện nay nhiều cơ quan quản lý nhà nước không có bất cứ thông tin dữ liệu gì về nhóm người này. Dự thảo Luật quy định việc cấp "giấy chứng nhận căn cước" cho người gốc Việt Nam chứ không phải cấp "thẻ căn cước" như đối với công dân Việt Nam là hoàn toàn phù hợp. Quy định này thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước ta và cũng là cơ sở để người gốc Việt Nam có điều kiện để thực hiện được trách nhiệm với xã hội, với địa phương nơi đang sinh sống lâu nay.