Đại biểu Quốc hội đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương

Kinhtedohti - Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Thọ) đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Hà Ánh Phượng (giáo viên trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục phát triển hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã đáp ứng yêu cầu triển khai thực hệ chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông cho các tỉnh, thành phố trong năm học vừa qua đã từng bước khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương, nhất là các vùng khó khăn. Năng lực đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học không ngừng được nâng cao cả về số lượng hoặc chất lượng…

Tuy nhiên, đại biểu Hà Ánh Phượng bày tỏ băn khoăn làm thế nào để đạt kỳ vọng từ năm 2024 - 2030 Việt Nam đạt khoảng 50.000 đến 100.000 nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đại biểu cho rằng, việc này rất khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.

Đại biểu cho rằng Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo yêu cầu quy định lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền. Tuy nhiên thực tế 10 năm qua, lương và thu nhập nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có người không đủ trang trải cuộc sống gia đình.

"Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề" - đại biểu Hà Ánh Phượng nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song dù họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành giáo dục.

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Yên Bái) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Yên Bái) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Yên Bái) nêu thực trạng thiếu giáo viên các môn tiếng Anh và tin học ở nhiều nơi. Nhân viên trường học cũng thiếu, nhất là ở vùng khó khăn. Thời gian qua, Bộ Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ gỡ vướng trong tuyển dụng giáo viên, nhưng chính sách hiện hành chưa thu hút được nhà giáo đến công tác ở địa bàn khó khăn do chính sách đãi ngộ hạn chế.

"Tôi đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút giáo viên, nhân viên trường học, trong đó ưu tiên tuyển con em đồng bào dân tộc. Những môn học đặc thù có thể cho phép tuyển giáo viên trình độ cao đẳng, rồi tiếp tục đào tạo để họ hoàn thiện khung trình độ như quy định" - đại biểu Triệu Thị Huyền nói.

Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.

Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Trong đó lương cơ sở căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo ra động lực cho người lao động.

Từ 1/7, giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Mức này cao hơn so với trước đây khoảng 0,6-1,5 triệu đồng.

Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng.

Việt An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-luong-giao-vien-cao-nhat-trong-thang-bang-luong.html