Hoàn thiện thể chế để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngày 30.9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, phương hướng công tác năm 2025; việc sử dụng ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì cuộc làm việc.
Khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ
Trình bày báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm học 2023 - 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”,ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.
Đáng chú ý, ngành giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất phương hướng tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế. Căn cứ kết quả tổng kết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc từ thực tiễn đặt ra. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước, chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ...
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, chưa tuyển dụng hết số biên chế được giao, ảnh hưởng đến việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là yêu cầu bố trí đủ giáo viên các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội không có sức hút đối với người học.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả.
Bảo đảm ngân sách thực chi cho giáo dục - đào tạo tối thiểu 20%
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo và các Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý cho tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.
Chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm từ năm 2025 trở đi, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm chất lượng và công bằng.
Bảo đảm ngân sách thực chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Tham mưu các cấp, các ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục để đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tỷ lệ tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo...
Tích cực hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành Giáo dục đã đạt được năm qua, đặc biệt là việc quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 19.8.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20.3.2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15. Đồng thời, Bộ ban hành Kế hoạch 390/KH-BGDĐT triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được giao, bảo đảm lộ trình, tiến độ và chất lượng công việc.
Theo đó, đã phân công cụ thể cho 12 đơn vị thuộc Bộ chủ trì triển khai thực hiện 25 nhóm nhiệm vụ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai 3 nhóm nhiệm vụ và phân công rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, các đơn vị đã nghiêm túc, tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công; tổ chức rà soát các văn bản pháp luật không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản còn chậm tiến độ, trong đó có Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050...
Công tác quy hoạch, phát triển trường, lớp học chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu học tập của người dân tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ phòng học kiên cố chung cả nước đạt 82,2%; tuy nhiên một số địa phương tỷ lệ kiên cố hóa dưới 40%...
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên tập trung hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến của các ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại phiên họp toàn thể thứ Tám vừa qua. Bên cạnh đó, Bộ cần rà soát các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm liên quan tới giáo dục, đào tạo, tập trung hoàn thành trong năm 2025, để từ đó đưa ra các chỉ tiêu, mục tiêu cho giai đoạn tới một cách phù hợp, khả thi, thiết thực.
Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục, đào tạo, cũng là cơ hội lớn để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành kế hoạch triển khai Kết luận, kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.