Đại biểu Quốc hội đề xuất tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Đối với 3 dự án đường bộ cao tốc, một số đại biểu Quốc hội nhất trí phương án thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch và tách giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư.
Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.
Các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng việc thông qua chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện các dự án này là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, 2021-2030, đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đề xuất chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính
Về giải phóng mặt bằng và khai thác vật liệu đắp nền, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho biết, tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp.
Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.
Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn.
Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố. Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) lưu ý, đối với tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, nên nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thành quy mô 4 làn xe theo quy hoạch hoặc đoạn có lưu lượng xe rất thấp thì trong giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe như một số tuyến cao tốc đã làm.
Đại biểu nhất trí phương án giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch và tách giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư.
Có chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị cân nhắc thành lập Ban chỉ đạo chung cho 3 dự án để có cơ chế thống nhất mức giá đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời sớm bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện.
Cần thiết áp dụng cơ chế đặc thù cho 3 dự án đường bộ cao tốc
Tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư xây dựng các công trình đường bộ cao tốc nói trên.
Theo đó, 2 dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột không chỉ tạo đột phá phát triển kinh tế, mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Riêng với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Bộ trưởng nhấn mạnh dự án này không thể chần chừ được nữa, bởi nếu không có tuyến đường này, sắp tới mở rộng cảng Cái Mép-Thị Vải sẽ không thể vận chuyển hàng xuống được.
Về nguồn vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải nguyên nhân áp dụng hình thức đầu tư công đối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là do 10 năm qua Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp tỉnh Đồng Nai, Bình Dương tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư nhưng không thành công. Trong khi đó, nếu dự án này chậm chậm trễ triển khai sẽ cản trở sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai trong thời gian tới.
Giải trình ý kiến đại biểu đề nghị làm cao tốc 2 làn xe đối với tuyến Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục giữ như Chính phủ trình, đoạn Bình Thuận làm 4 làn xe hạn chế, còn hầm và cầu làm theo 4 làn xe đầy đủ, đúng theo quy hoạch. Theo Bộ trưởng, nếu triển khai 2 làn xe, sau khi dự án hoàn thành và kết nối với các khu công nghiệp, sẽ không đáp ứng yêu cầu.
Về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tính toán theo cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư. Bộ Giao thông vận tải dự tính đến giữa năm 2023 hoặc quý IV/2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần triển khai theo quy định pháp luật.
Liên quan công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, địa phương phải quyết tâm, bởi không có mặt bằng thì sẽ không khởi công được. Do đó, trách nhiệm của địa phương được giao cần xem đây là 1 dự án trọng điểm của địa phương và phải triển khai quyết liệt để thực hiện.
Đối với cơ chế đặc thù, Bộ trưởng cho rằng rất cần thiết và đang kiến nghị áp dụng cả Nghị quyết 43, một phần của Nghị quyết 44 và một số cơ chế đặc thù để khi phân cấp cho các địa phương sẽ thực hiện hiệu quả.