Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024

Sáng 20/6, trong Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn và Quảng Ngãi. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, điều hành thảo luận.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 nhằm cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025. Riêng khoản 10, Điều 255 và khoản 4, Điều 260 của Luật Đất đai đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì, điều hành phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì, điều hành phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Mục đích nhằm đưa các nội dung đổi mới của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào thực tiễn, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế của pháp luật hiện hành; đồng thời khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển của đất nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân sớm được tiếp cận chính sách đổi mới theo hướng có lợi như chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tại phiên thảo luận Tổ 3, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ băn khoăn khi các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các luật trên chưa đầy đủ; cũng như công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến cũng chưa rõ. Trong khi đó, thực tế là các luật này rất khó, có nhiều điểm mới, mà ngay cả đội ngũ cán bộ cần một khoảng thời gian để nghiên cứu.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Vì vậy, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị giữ nguyên thời điểm các luật trên có hiệu lực là ngày 1/1/2025 để có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn các văn bản hướng dẫn đến tuyên truyền, quán triệt những điểm mới của luật.

Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An cho rằng, nội dung chưa nêu được tác động, sự cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật trên từ ngày 1/8/2024; chưa đưa ra được các tác động trực tiếp về sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng nói rằng, hết sức băn khoăn nếu như đưa 4 luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng thì sẽ tác động như thế nào đến việc thi hành luật ở địa phương, khi mà chưa rõ các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền như thế nào; trong khi quỹ thời gian từ nay đến thời điểm các luật trên có hiệu lực theo đề xuất là ngày 1/8/2024 chỉ còn gần 1,5 tháng.

Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh tán thành đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra là cần cân nhắc những khó khăn, vướng mắc để quyết định nên hay không nên việc thông qua việc có hiệu lực sớm của 4 luật trên.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An nêu quan điểm tán thành với việc đưa các luật trên có hiệu lực sớm hơn, tức là vào ngày 1/8/2024 như đề xuất của Chính phủ khi đã có các cơ sở, trong đó nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn.

Tuy vậy, Thiếu tướng đề nghị Chính phủ, các bộ, HĐND cấp tỉnh tích cực triển khai, sớm ban hành các văn bản dưới luật thuộc thẩm quyền để quá trình triển khai luật thông suốt, hạn chế các vướng mắc.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Trước đó, vào đầu giờ sáng, trong phiên làm việc ở Hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã xem video clip về Quy hoạch Thủ đô; thảo luận ở Hội trường về: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thành Duy - Thu Nguyễn

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/dai-bieu-quoc-hoi-doan-nghe-an-thao-luan-ve-de-xuat-cho-phep-luat-dat-dai-luat-nha-o-luat-kinh-doanh-bat-dong-san-co-hieu-luc-tu-1-8-2024-10274384.html