Góc nhìn nghị trường: Sớm đưa luật vào cuộc sống để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV. Một trong những điểm nổi bật của dự thảo luật là điều chỉnh thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai sớm hơn 5 tháng để bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 cùng với các quy định liên quan. Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ để sớm đưa 4 luật được sửa đổi, bổ sung lần này đi vào cuộc sống, qua đó giúp tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) nhìn nhận, việc Luật Đất đai (năm 2024) sớm có hiệu lực sẽ rất có lợi cho người sử dụng đất. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, đối tượng này không được nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, Luật Đất đai (năm 2024) không còn quy định này, tức là hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, cho, tặng đất trồng lúa. Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc cho phép hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện về bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn hiện nay. Từ đó tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới và nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa.

 Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Thường trực, Phụ trách Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương thông qua sớm luật để tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Thường trực, Phụ trách Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương thông qua sớm luật để tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Thực tế ở các địa phương cho thấy, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn dè chừng trong việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao bởi lo ngại chi phí đầu tư ban đầu lớn. Khi hết thời hạn hợp đồng thuê đất mà không được địa phương, người dân tạo điều kiện để tiếp tục thuê sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng thu hồi vốn. Vì vậy, việc Luật Đất đai (năm 2024) sớm có hiệu lực để qua đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa với diện tích lớn sẽ giúp tháo gỡ nút thắt này.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, quy định của luật cũng tạo cơ chế cho thuê đất nông nghiệp thuận tiện giúp người có nhu cầu sử dụng đất và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nguồn lực đất đai được kết hợp vào nhiều mục đích sản xuất nông nghiệp khác nhau, góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Các quy định mới của luật sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, hướng đến vừa mang lại kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan vừa nâng cao hơn nữa đời sống, thu nhập cho người dân, đặc biệt là nông dân, bảo đảm tốt hơn nữa an ninh lương thực của đất nước.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-som-dua-luat-vao-cuoc-song-de-dap-ung-doi-hoi-thuc-tien-782826