Đại biểu Quốc hội: GDP tăng 7% cả năm 2024 là hoàn toàn khả thi

Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 26/10, nhiều đại biểu Quốc hội tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Ngày 26/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 hoàn toàn khả thi

Phát biểu thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Quốc Nam – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận - đã thống nhất và đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Đại biểu Trần Quốc Nam- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Trần Quốc Nam- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Thu Hường

Năm 2024, vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 (năm 2023 đạt và vượt 10/15 chỉ tiêu).

Những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí Tổng Bí thư; sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đến những vùng bão lũ chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn gây xúc động cho toàn thể nhân dân, củng cố thêm niềm tin và tình cảm của nhân dân với Đảng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”- đại biểu Trần Quốc Nam nhấn mạnh.

Theo đại biểu Trần Quốc Nam, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu, đầu tư công còn thấp, chưa đạt mục tiêu, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư các dự án gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn trong thực tiễn nhưng khi triển khai vẫn gặp vướng mắc. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc để hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, trong đó đặc biệt là vấn đề liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, thể chế phân cấp, phần quyền vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Mặc dù vậy, với 2 kịch bản về tăng trưởng được Chính phủ đưa ra (3 tháng cuối năm tăng trưởng GDP dưới 7% và trên 7%) cho thấy tinh thần quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ”- đại biểu Nam cho hay.

Theo đại biểu Trần Quốc Nam, những nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ đưa ra trong 3 tháng cuối năm với tinh thần đột phá, quyết tâm, đại biểu tin tưởng tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 -7,5%) trong năm 2024 hoàn toàn khả thi.

Tăng cường các giải pháp chống tội phạm công nghệ cao, hàng giả, hàng nhái

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2024 của Việt Nam là một thành công và là điểm sáng, khi các chỉ tiêu kinh tế của Việt Nam đạt 14/15 chỉ tiêu, tăng thu ngân sách trên 10,1%, thương mại điện tử phát triển mạnh, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khi mà có đến 869.000 doanh nghiệp tạm dựng sản xuất, kinh doanh, 18.200.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trước tình hình trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt là cần có giải pháp triệt để để xử lý vấn tồn đọng thuế, nợ thuế rất lớn (hiện, nợ thuế là 206 nghìn tỷ đồng) để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, qua đó tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, đại biểu Đỗ Văn Yên cũng đề nghị Chính phủ quan tâm và chỉ đạo trong thời gian tới để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng...

Thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang - đề nghị: Trước thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát kỹ thiệt hại do bão và hoàn lưu sau bão số 3, sớm có chính sách giãn nợ, miễn nợ đối với các khoản vay ngân hàng của người dân, doanh nghiệp nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau bão. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu và mua bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản giảm bớt khó khăn khi thiên tai, rủi ro xảy ra.

Đại biểu Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH Tuyên Quang. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH Tuyên Quang. Ảnh: Thu Hường

Bên cạnh đó, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ quyết liệt xử lý các vấn đề nêu trên.

Cùng với đó là tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, lấy danh nghĩa cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo người dân, lấy danh nghĩa nhà báo gặp gỡ, dọa đăng tin, bài gây khó khăn cho doanh nghiệp nhằm trục lợi ngày càng gia tăng, gây tâm lý bất an trong nhân dân. Đề nghị Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để hạn chế thấp nhất, tiến tới ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Ngoài ra, tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng. Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, trong đó nêu rõ thực trạng, quan điểm và hướng giải quyết của Chính phủ đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, sớm đề xuất giải pháp quản lý, phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để kịp thời bảo vệ thanh thiếu niên.

Xuất siêu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024

Đánh giá cao kết quả công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định làm phát, xuất siêu, đai biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh - đưa dẫn chứng, tình hình kinh tế thế giới và địa chính trị diễn biến bất ổn, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định về kinh tế, chính trị , xã hội, đây là điểm sáng.

Đại biểu Ngân dẫn chứng, lạm phát kiểm soát ở mức thấp trong vòng 10 qua (từ năm 2015- nay) đã kiểm soát lạm phát ở mức 3%; trong khi giai đoạn 2006-2015, lạm phát 9,3%. "Điều này cho thấy, công tác kiểm soát lạm phát của Chính phủ rất tốt, cán cân thương mại thặng dư liên tục từ 2016 đến nay, có những năm bất ổn về vĩ mô như giai đoạn 2006 - 2010 khi đó vừa chống chọi lạm pháp và nhập siêu với 63 tỷ USD nhập siêu. Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu, 2019-2024 xuất siêu 85 tỷ đô, trung bình mỗi năm xuất siêu 17 tỷ USD. Đây là thành quả đáng tự hào”- đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hường

Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hường

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,82%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra từ 6-6,5%, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn, giá năng lượng liên tục có những biến động, tăng trưởng chung của thế giới ở mức thấp dự kiến vào khoảng 3,2% (IMF dự báo), Thái Lan là 2,8%... “Tôi tin tưởng, năm 2024, Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 7%”- đại biểu Ngân khẳng định.

Một thành công nữa cũng được đại biểu Ngân chỉ ra, mặc dù chi phí xuất khẩu tăng do xung đôt chính trị, hàng hóa xuất khẩu phải đi đường vòng dẫn đến chi phí logistic tăng trên 130%.Tuy nhiên, xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì được với tốc độ tăng 15,4%.

Đại biểu cũng phân tích tỷ trọng xuất khẩu ưu thế vẫn đến từ khối doanh nghiệp FDI với trên 73%, còn lại là của doanh nghiệp trong nước với các sản phẩm chủ lực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đó là nông sản, thủy sản, trái cây, gạo, tiêu, cà phê… Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, có chính sách cho phát triển sản xuất lớn, để hàng hóa nông sản, thủy sản đảm bảo tính lâu bền và có thương hiệu.

Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua phát triển du lịch, bán hàng cho khách du lịch quốc tế, do đó cần có chính sách thu hút khách du lịch.

Cuối cùng là đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, muốn như vậy người dân phải có tiền. Do đó, phải có chính sách cho tiêu dùng nội địa, cùng các chính sách về an sinh xã hội, đảm bảo thu nhập…

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-gdp-tang-7-ca-nam-2024-la-hoan-toan-kha-thi-354921.html