Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga: Đề xuất hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, chiều 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

 Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại tổ chiều 25/5. Ảnh: PVH

Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại tổ chiều 25/5. Ảnh: PVH

Thảo luận tại tổ 14 (gồm các đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa, Hải Dương), đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ đồng tình với chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), bởi nếu giải quyết được bài toán điểm nghẽn giao thông sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đại biểu Hà Thị Nga cũng băn khoăn với các phương án đảm bảo tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, có chính sách cụ thể tạo sinh kế, ổn định việc làm cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trong khu vực này. Theo đó, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng những quy định có phương án tối ưu, có tính khả thi đảm bảo việc làm ổn định cho người dân vùng dự án; đặc biệt là đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương khác nhau có cùng dự án.

Về nội dung Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Hà Thị Nga cho rằng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư là cần thiết trong bối cảnh hiện nay có những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải ngân bị chậm trễ.

Với một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ đồng tình với những nội dung đề xuất chỉnh sửa chủ yếu liên quan đến một số công trình cơ sở vật chất thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa "không nằm trong vùng địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi" theo quy định hiện hành.

Toàn cảnh phiên họp tại tổ 14 gồm các đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa, Hải Dương. Ảnh: PVH

Toàn cảnh phiên họp tại tổ 14 gồm các đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa, Hải Dương. Ảnh: PVH

Theo Báo cáo của Chính phủ đề xuất điều chỉnh Chương trình, tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025".

Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện Chương trình gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến lúng túng trong quá trình lập kế hoạch, phân bổ, lồng ghép nguồn vốn thực hiện Chương trình, do vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình chưa được quy định tại Nghị quyết số 120/2020/QH14.

Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét xác định rõ nguồn vốn thực hiện Chương trình là "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành".

Đại biểu Hà Thị Nga cũng bày tỏ vui mừng và tự hào khi Hội LHPN Việt Nam đề xuất và được Chính phủ giao chủ trì triển khai Dự án 8, là 1 trong số 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc và cách hiểu khác nhau ở địa phương trong giai đoạn đầu, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ về xác định nguồn vốn thực hiện Chương trình từ 2 nguồn là nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kinh phí sự nghiệp.

Qua quá trình triển khai Dự án 8, có một thực tế có một số địa bàn triển khai đã bị thu hẹp bởi đã thoát khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, khiến giảm đi số địa bàn cũng như đối tượng thụ hưởng Chương trình. Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị Chính phủ có sự quan tâm, sửa đổi, bổ sung một số nội dung, cụ thể:

Thứ nhất, với nội dung về mô hình sinh kế phát triển kinh tế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đề xuất Chính phủ điều chỉnh theo hướng hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, chú trọng hỗ trợ thành lập mới và hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ.

Bởi các văn bản hướng dẫn hiện nay quy định việc quản lý, sử dụng quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thì việc hỗ trợ khoa học công nghệ "chỉ thực hiện đối với nhóm sinh kế và tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ" mà chưa có quyết định hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Trong khi đó, phần lớn các cá nhân phụ nữ dân tộc thiểu số lại rất có nhu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Thứ hai, về nội dung về thí điểm và nhân rộng mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người. Trong đó, đề xuất bổ sung thêm đối tượng là phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực gia đình, di cư lao động không an toàn, phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật là người dân tộc thiểu số.

Video: Đại biểu Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, thảo luận tại tổ chiều 25/5

Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

- Năm 2023:

+ Kết quả giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 77% kế hoạch.

+ Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp bao gồm cả vốn sự nghiệp của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 28% kế hoạch.

- Trong Quý I năm 2024:

+ Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn đầu tư công giải ngân đến hết tháng 3 năm 2024 (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024) của Chương trình ước đạt được khảng 2.110,772 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch.

+ Vốn sự nghiệp giải ngân thực hiện Chương trình ước chỉ đạt được khoảng 38,385 tỷ đồng, đạt 1% kế hoạch.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ha-thi-nga-de-xuat-ho-tro-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-nang-cao-quyen-nang-kinh-te-cho-phu-nu-dtts-20200403205556591.htm