ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HÒA TRONG NHỊP SỐNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Tiếp nối truyền thống của đại biểu các khóa trước, các đại biểu Quốc hội khóa XV, tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã và đang nỗ lực, nêu cao trách nhiệm, hòa vào nhịp sống của cử tri và nhân dân tỉnh Yên Bái để góp phần quan trọng đưa các quyết sách của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống và phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương...

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy trao đổi với cử tri huyện Lục Yên.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy trao đổi với cử tri huyện Lục Yên.

Nhìn lại lịch sử 78 năm trước, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã diễn ra trong trong bối cảnh đất nước thù trong giặc ngoài. Nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu Quốc hội, trong số đó tỉnh Yên Bái có 2 đại biểu là ông Trần Đình Khánh - Ủy viên Ủy ban Liên Việt, Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Yên Bái và ông Cầm Ngọc Lương.

Quốc hội khóa II (1960-1964), bầu ngày 8/5/1960 gồm 453 đại biểu, tỉnh Yên Bái có 4 đại biểu; Quốc hội khóa III (1964-1971) 453 đại biểu: 366 đại biểu được bầu, 87 đại biểu khóa I của miền Nam được lưu nhiệm. Yên Bái có 7 đại biểu (bao gồm cả 3 đại biểu của tỉnh Nghĩa Lộ). Khóa IV (1971-1975), Quốc hội gồm 420 đại biểu; Yên Bái có 9 đại biểu (bao gồm cả 4 đại biểu của tỉnh Nghĩa Lộ). Khóa V (1975-1976), Quốc hội gồm 424 đại biểu. Nhiệm kỳ này, tỉnh Yên Bái có 10 đại biểu (bao gồm cả 5 đại biểu của tỉnh Nghĩa Lộ).

Khóa VI (1976-1981), bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất vào ngày 25/4/1976. 492 đại biểu được bầu vào Quốc hội. Thời điểm này, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập, tỉnh Yên Bái có 7 đại biểu. Quốc hội khóa VII (1981-1987), gồm 496 đại biểu, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 7 đại biểu. Khóa VIII (1987-1992) bầu 496 đại biểu, tỉnh Hoàng Liên Sơn có 8 đại biểu. Khóa IX (1992 - 1997) bầu 395 đại biểu, tỉnh Yên Bái tái lập có 4 đại biểu.

Khóa X (1997-2002), Quốc hội gồm 450 đại biểu, tỉnh Yên Bái có 5 đại biểu. Khóa XI (2002 - 2007), Quốc hội gồm 498 đại biểu, Yên Bái có 6 đại biểu. Khóa XII (2007-2011), gồm 493 đại biểu, Yên Bái có 6 đại biểu. Khóa XIII (2011-2016), Quốc hội gồm 500 đại biểu, Yên Bái có 7 đại biểu. Khóa XIV (2016-2021), gồm 496 đại biểu, Yên Bái khóa XIV có 6 đại biểu.

Cử tri dân tộc thiểu số xã Quang Minh, huyện Văn Yên tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV. Ảnh TL

Cử tri dân tộc thiểu số xã Quang Minh, huyện Văn Yên tham gia bầu cử Quốc hội khóa XV. Ảnh TL

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chưa từng có tiền lệ. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, ngày 23/5/2021, tỉnh Yên Bái có số cử tri đi bỏ phiếu bầu cử đạt tỷ lệ 99,96%. Trong số 499 vị đại biểu được bầu; tỉnh Yên Bái có 6 đại biểu trúng cử với số phiếu bầu cao gồm: ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Thành Trung - Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; bà Khang Thị Mào - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải; bà Triệu Thị Huyền - cán bộ Tỉnh đoàn Yên Bái.

Gần 3 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái đang nối tiếp hành trình là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đại biểu đã hết lòng hết sức vì trọng trách mà cử tri và nhân dân giao phó.

Trong năm 2023 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ trước, sau Kỳ họp thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV tại 11 điểm với sự tham gia của gần 3.000 cử tri thuộc 48 xã, phường, thị trấn tại tất cả các địa phương trong tỉnh; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với lực lượng công an và quân đội trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham dự của hơn 200 cử tri đại diện cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Đặc biệt, lần đầu tiên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề kết hợp đối thoại với công nhân, viên chức, người lao động bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu trung tâm tỉnh tới 8 điểm cầu của 8 huyện, thị xã với hơn 700 đại biểu đại diện cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh tham dự.

Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri đã có 139 lượt cử tri phát biểu ý kiến, trong đó 98 ý kiến kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được lãnh đạo tỉnh trực tiếp trả lời, tiếp thu; 41 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi đến các cơ quan nghiên cứu, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.

Các cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra cởi mở, thể hiện sự quan tâm theo dõi, giám sát của cử tri đến hoạt động của các đại biểu Quốc hội, đồng thời là dịp để đại biểu Quốc hội thông tin đến cử tri về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và lời hứa với cử tri. Những chia sẻ, tâm tư, nguyện vọng của cử tri luôn được quan tâm, ghi nhận; đại biểu Quốc hội - cử tri - người dân luôn hòa chung nhịp sống và đóng góp cho quê hương.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ hai bên phải) và đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng các đại biểu Quốc hội cùng trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên lề phiên làm việc sáng 1/11/2023. Ảnh TL

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái (thứ hai bên phải) và đại biểu Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cùng các đại biểu Quốc hội cùng trao đổi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên lề phiên làm việc sáng 1/11/2023. Ảnh TL

Năm 2023, diễn ra Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, từng đại biểu Quốc hội đều tích cực tham gia ý kiến đóng góp, thể hiện chính kiến của mình với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm chất lượng vào các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các dự án luật, nghị quyết... thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đại biểu trước cử tri, trước Quốc hội.

Cụ thể, đã có 43 lượt ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn phát biểu. Kỳ họp thứ 6, có 18 lượt ý kiến thảo luận tại tổ; 11 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường. Cùng đó là các ý kiến thảo luận trong đoàn làm rõ những vấn đề đưa ra trong nội dung chương trình Kỳ họp.

Đặc biệt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái được phân công làm Tổ trưởng Tổ thảo luận số 15 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hòa Bình, Bình Thuận, Bình Phước và Yên Bái; đồng chí đã điều hành khoa học, linh hoạt, hiệu quả, tổng hợp được nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội.

Để có được cái nhìn tường tận về thực tiễn cơ sở, chắt lọc những thông tin sát thực với nội dung theo chương trình kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến tham gia từ các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức hội, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Đồng thời tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tham gia trực tiếp vào một số dự án luật; tiến hành khảo sát chuyên đề để cung cấp thêm thông tin, dữ liệu cho đại biểu trong thảo luận tại các kỳ họp của Quốc hội. Nhiều ý kiến đã được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và bổ sung vào các dự án luật trình các kỳ họp Quốc hội.

Trong các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã nghiêm túc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm chắc thực tiễn và nhóm vấn đề chất vấn. Trong phát biểu chất vấn đã thể hiện được bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm trước nhân dân; câu hỏi nên ngắn gọn, súc tích; tranh luận sắc bén.

Qua theo dõi, cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao các ý kiến chất vấn của đại biểu. Các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu và đưa ra nhiều giải pháp, lời hứa, cam kết, có lộ trình rõ ràng để khắc phục những tồn tại, yếu kém…

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản ngày 8/11/2023.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản ngày 8/11/2023.

Công tác giám sát, khảo sát được Đoàn chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện hoặc lồng gắn trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Đó là các giám sát chuyên đề về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Những chuyên đề giám sát và các cuộc khảo sát vừa là thực hiện kế hoạch vừa mang hơi thở cuộc sống, được sự quan tâm của nhân dân các dân tộc ở các địa bàn trong tỉnh nên được triển khai nghiêm túc, kỹ lưỡng, đầy đủ. Qua đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xem xét, tổng hợp 52 ý kiến và nhóm vấn đề kiến nghị, đề xuất gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và HĐND, UBND tỉnh Yên Bái.

Đã qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, nhiều khó khăn thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh đã được các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái vượt qua để hoàn thành tốt trọng trách của mình. Nhưng với mỗi đại biểu, đó luôn là những kết quả bước đầu, quá trình phấn đấu, rèn luyện và cố gắng sẽ luôn thường trực, để bản thân sẽ tiếp tục vươn lên để phát huy hơn nữa truyền thống 78 năm của Quốc hội Việt Nam và hòa trong dòng chảy phát triển của quê hương đất nước trong nay mai.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=83829