Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận về KT-XH của đất nước
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tiếp tục tham gia ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Thứ nhất, năm 2021 đi qua trong cơn bão COVID-19 tác động ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt kinh tế - xã hội đất nước. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn kịp thời chuyển chiến lược “phòng chống dịch COVID-19” sang “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, cùng với sự huy động tổng lực cho chiến dịch bao phủ vắc xin toàn dân; do vậy, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, kinh tế - xã hội từng bước khôi phục, phát triển; quý IV/2021 GDP tăng 5,22% để cả năm GDP đạt 2,58%; và quý I/2022 ước tăng 5,03%.
Thành công ấn tượng của Đại hội thể thao các nước Đông Nam Á lần thứ 31 tại Việt Nam vừa qua tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta có thể hy vọng năm 2022 sẽ đạt những thành tựu mới, bồi đắp thêm cho khát vọng xây dựng quốc gia giàu mạnh, hùng cường.
Bên cạnh đó, những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà Chính phủ đã báo cáo, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã thẩm tra chỉ ra là hoàn toàn xác đáng và khá đầy đủ. Vấn đề ở đây là những yếu kém, hạn chế, khuyết điểm đó có gì mới? Nó ở ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào? Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm? Giải pháp xử lý, khắc phục là gì? Lúc nào khắc phục được?... Tất cả cần phải được minh định rõ ràng.
Hạn chế, khuyết điểm nào cũng có chủ thể, địa chỉ, nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể; phải “chỉ cho ra mặt, đặt cho được tên” để có khen, có chê; có thưởng, có phạt thì mới tạo động lực để làm việc, để quyết tâm thay đổi mà tiến bộ; nếu không sợi dây “kinh nghiệm” sẽ cứ mãi dài ra trong sự ách tắc, trì trệ, kém hiệu quả.
Ví như chuyện giải ngân vốn đầu tư vẫn ỳ ạch mà năm nào Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội như căn bệnh trầm kha, mãn tính. Theo báo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm tỉ lệ giải ngân cũng chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% cùng kỳ năm 2021); giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 4,4% kế hoạch; có tới 17 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân.
Quốc hội đặt kỳ vọng lớn vào các Chương trình mục tiêu quốc gia, vào chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng nay vẫn còn dừng lại ở quá trình xây dựng hướng dẫn làm chậm đà tăng trưởng, ý nghĩa các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là khuyết điểm lớn, nhất thiết phải được phân tích, xem xét nghiêm túc, đầy đủ.
Vừa qua Thủ tướng đã thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm cần kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.
Đó là những việc làm cấp thiết, là những tín hiệu tích cực, song tôi đề nghị Chính phủ cần kiên quyết hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả thực tế hơn nữa để “giải phẫu” với “liều thuốc mạnh” tạo sự đột phá để khơi thông “cục máu đông” dòng tiền ngân sách này. Kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho tiến hành Giám sát, thực hiện phiên giải trình sớm nhất có thể, khắc phục cho được những ách tắc, trì trệ này.
Thứ hai, thế giới đang đứng trước những tác động ảnh hưởng to lớn từ cuộc xung đột Nga – Ukraina; tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nước ta. Đáng chú ý chỉ số CPI 5 tháng đầu năm tăng 2,25% so cùng kỳ 2021, gấp 2 lần so cùng kỳ giai đoạn 2018-2021. Nguy cơ lạm phát có thể vượt trần chỉ số 4% mà Quốc hội quyết định là hiện hữu. Giá xăng ngày hôm nay (2/6/2022) đã vượt mốc 31.500đồng/lít, dự báo còn có thể tăng cao hơn nữa đã kích hoạt sự gia tăng giá hàng hóa, dịch vụ, thách thức lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Công thương đã cung cấp cho đại biểu Quốc hội những thông tin về vấn đề này, song vẫn chưa thấy rõ giải pháp chiến lược, căn cơ. An ninh năng lượng, nhất là xăng dầu là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định, phục hồi và phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần sớm xây dựng chiến lược quốc gia về xăng, dầu với những giải pháp, công cụ đủ mạnh, đủ sức chống chịu với những “cú sốc” lớn của thị trường thế giới trong một tương lai bất định.
Việt Nam là quốc gia dầu mỏ, vì vậy phải tập trung đầu tư nâng cao năng lực khai thác, chế biến dầu mỏ, tiến đến tự chủ, độc lập về nguồn cung, bảo đảm an ninh, an toàn xăng, dầu cho quốc gia không chỉ trước mắt mà phải lâu dài. Xây dựng chiến lược dự trữ quốc gia và xem đây là công cụ hữu hiệu cho việc can thiệp cung, cầu, và về giá. Cơ cấu lại các yếu tố đầu vào để hình thành giá cạnh tranh; kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường giá; có thể giảm trong ngắn hạn một số sắc thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước thiết thực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tiếp tục tiến hành linh hoạt điều hành giá xăng dầu, rút ngắn dần thời gian các kỳ điều chỉnh giá, tiếp cận gần hơn với giá thị trường thế giới, trước mắt có thể một tuần một lần. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế và sử dụng xăng dầu tiết kiệm. Tăng cường phòng, chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới,…Xây dựng các kịch bản ứng phó với sự biến động giá xăng dầu thế giới, bảo đảm nguồn cung, an ninh về năng lượng cho hoạt động kinh tế -xã hội, QPAN của đất nước trong mọi tình huống.