Đại biểu Quốc hội: Khi có dịch không chạy tán loạn, ai ở đâu ở đấy
Dù công điện của Thủ tướng yêu cầu 'ai ở đâu ở đấy', nhiều người vẫn đang cố di chuyển khỏi vùng dịch. Chuyên gia khuyến cáo nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nếu việc này tái diễn.
“Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép”, thông điệp quan trọng nhất được đề cập trong công điện 1063 của Thủ tướng, ban hành tối 31/7, nhằm quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch.
Phản ứng chính sách cần thiết
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), nội dung này là một phản ứng chính sách cần thiết của Chính phủ. Yêu cầu này sẽ giúp xử lý nhiều vấn đề lớn mà đất nước đang phải đối mặt.
Thứ nhất là nguy cơ lây lan dịch bệnh khi hàng nghìn, hàng triệu người rời khỏi vùng dịch về các tỉnh, thành phố khác. Với đặc thù của biến chủng Delta, ông Dũng lo ngại dịch bệnh từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hay các tỉnh vùng động lực kinh tế phía nam có thể theo đoàn người di tản lây lan ra cả nước.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan làm cho nhiều địa phương đã không thể phản ứng một cách nhanh chóng và mạch lạc
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Chủ trương của Chính phủ cũng giúp giải quyết vấn đề thứ hai là rủi ro với những người di tản từ vùng dịch về quê khi họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trên suốt hành trình về quê.
Vấn đề thứ ba ông Dũng đề cập là tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của các địa phương khi mục tiêu xung đột với nhau. Nếu để dịch bệnh lây lan, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nên nhiều địa phương không tiếp nhận người về từ vùng dịch. Nhưng nếu không tiếp nhận đồng bào của mình, thì đạo lý lại không cho phép.
“Tình thế tiến thoái lưỡng nan này làm cho nhiều địa phương đã không thể phản ứng một cách nhanh chóng và mạch lạc”, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định.
Cuối cùng, ông nhắc đến tâm trạng bất an trong xã hội khi chứng kiến cảnh khó khăn của nhiều người dân rời vùng dịch về quê, còn các địa phương lại phản ứng thiếu nhất quán.
“Giải pháp cấm di chuyển từ vùng dịch sẽ giúp xử lý một lúc cả bốn vấn đề này”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định. Song theo ông, có 2 vấn đề được đặt ra khi áp dụng giải pháp này. Trước hết là đảm bảo an toàn dịch bệnh cho những người bị cấm di chuyển về quê. Hai là đảm bảo chính sách an sinh cho những người này.
Nguy cơ dịch lây lan khắp cả nước
Dù công điện của Thủ tướng yêu cầu “ai ở đâu ở đấy”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nếu các tỉnh, thành khác có chủ trương tổ chức đón công dân của mình từ vùng dịch về vẫn được tiến hành bình thường. Tức là việc người dân rời vùng dịch về quê phải được tổ chức và kiểm soát, không được tự di chuyển.
Đây là thời điểm cấp bách, khó khăn khi dịch bệnh hoành hành, nên cần làm nghiêm để người dân tuân thủ
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Trước thực tế sau khi công điện của Thủ tướng ban hành, nhiều người dân vẫn đang cố rời vùng dịch về quê, ông Hòa lo ngại nguy cơ dịch lây lan. "Nếu người dân cố tình di chuyển khỏi vùng dịch để về quê sẽ làm dịch lây lan khắp cả nước", vị đại biểu Quốc hội cảnh báo.
Theo ông, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, các chốt kiểm dịch cũng làm rất gắt gao nhưng chắc chắn không thể kiểm soát hết lượng người dân rời vùng dịch về quê, vì nhiều người đi qua đường mòn lối mở.
Với những trường hợp cố tình vi phạm, vị đại biểu Quốc hội cho rằng cần xử lý nghiêm. “Đồng ý là người dân có cái khó, nhưng thực tế nhiều trường hợp về quê không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh ra địa phương. Đây là thời điểm cấp bách, khó khăn khi dịch bệnh hoành hành, nên cần làm nghiêm để người dân tuân thủ, chấp hành các quy định chống dịch", theo ông Hòa.
Lúc khó khăn, hoạn nạn, người dân và Chính phủ cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chống dịch
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
Bên cạnh việc chăm lo an sinh cho người dân, không để dân thiếu ăn, thiếu mặc như yêu cầu của Thủ tướng, ông Hòa lưu ý các địa phương cần “thắt lưng buộc bụng” để có nguồn ngân sách chống dịch, lo an sinh cho dân về lâu dài.
“Dân khó khăn là rõ ràng, nhất là người nghèo, cực kỳ khó khăn. Chúng ta luôn đứng về phía người dân, nhưng trong lúc khó khăn, hoạn nạn, người dân và Chính phủ cùng chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Tôi tin không một Chính phủ, chính quyền nào ra văn bản làm khó cho người dân”, ông chia sẻ.
Bình tĩnh, tin tưởng quyết sách chống dịch của Chính phủ
Theo GS. Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội), công điện số 1063 của Thủ tướng đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, cụ thể để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, trong đó có yêu cầu người dân "ai ở đâu ở đấy". Ông đánh giá đây là một trong những giải pháp đúng đắn và thấu tình đạt lý.
Khi có dịch không được hoảng loạn, không được chạy tán loạn
GS. Nguyễn Anh Trí
“Một nguyên tắc bất di bất dịch là khi có dịch không được hoảng loạn, không được chạy tán loạn. Nguyên tắc này đúng với cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam hay ở TP.HCM. Đó cũng là tinh thần mà Chính phủ quán triệt lâu nay, luôn vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết”, ông Trí nói.
Thông cảm với những gian nan, vất vả mà hàng nghìn người dân các tỉnh gặp phải khi họ tự phát rời TP.HCM, chạy hàng nghìn km về quê, song GS. Nguyễn Anh Trí cho rằng việc này “hại nhiều hơn lợi”.
“Người dân không an toàn khi đi đường, có thể bị lây chéo ngay trên hành trình di chuyển, nhưng nguy hiểm nhất là đưa dịch về quê khiến việc dập dịch khó hơn rất nhiều. Đáng nói, nếu dịch đồng thời bùng phát dịch ở hàng chục tỉnh thì hoàn toàn không thể dập tắt được”, ông Trí nói và cảnh báo khi đó, thảm họa dịch bệnh sẽ xảy ra.
Theo vị đại biểu Hà Nội, mục tiêu chống dịch lúc này phải là số một. Ông động viên người dân cần bình tĩnh, đừng hoảng loạn và nên tin tưởng, làm theo các quyết sách chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng cũng như chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, GS. Trí cho rằng TP.HCM cần có sự quan tâm đặc biệt dành cho những người dân khó khăn, ngoài hỗ trợ về vật chất cần trấn an về tinh thần để giúp họ không hoảng loạn.
Các tỉnh, thành phố khác có công dân đang ở vùng dịch như TP.HCM cũng cần phối hợp để hỗ trợ công dân của mình bằng việc làm cụ thể, như: Thông qua các Hội Chữ thập đỏ, Hội đồng hương, các ban Tương tế tại TP.HCM để nắm bắt và hỗ trợ vật chất (gạo, thực phẩm, nước uống…) cho người dân, hoặc thông qua bố mẹ, người thân ở quê để gửi kinh phí vào cho con em của họ.
“Cách làm này hiệu quả hơn nhiều việc để con em mình tìm cách đi xe máy về quê. Nếu cần, sau khi hết lệnh giãn cách hãy trở về có trật tự, có chuẩn bị để không xảy ra những điều đáng tiếc dọc đường, và đặc biệt, phải được xét nghiệm để không làm lây lan dịch bệnh”, ông Trí nói.