Đại biểu Quốc hội: Kiểm soát chặt quảng cáo trên báo chí nhưng mạng xã hội thì rất lỏng lẻo

Tình trạng quảng cáo sai thông tin, thổi phồng, không có kiểm chứng... đã ảnh hưởng đến người tiếp nhận thông tin. Vì vậy cần quản lý chặt chẽ quảng cáo trên không gian mạng xã hội và có chế tài xử lý nghiêm.

Chiều 25-11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Theo các đại biểu Quốc hội, sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 25-11. Ảnh: Quốc hội Media

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 25-11. Ảnh: Quốc hội Media

Phải quản lý chặt chẽ và có chế tài xử lý nghiêm đối với quảng cáo “rác” trên mạng xã hội

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết nêu.

Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý thì sẽ không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng. Từ đó, sẽ không thể bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần phải đảm bảo quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Việc xử lý quảng cáo vi phạm cũng cần nhanh chóng, nhằm ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng.

Vì tốc độ lan truyền internet hiện nay rất nhanh và rất rộng. Phải tháo gỡ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Ví dụ như đối với các nội dung quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, quảng cáo các sản phẩm cấm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội Media

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội Media

Nhận diện ảnh hưởng xấu của quảng cáo đối với trẻ em, trái thuần phong mỹ tục

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu nhấn mạnh, nhiều quảng cáo xuất hiện với tần suất quá nhiều và đôi khi phát lại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ có khi gây hiểu nhầm, tạo ra hiệu ứng ngược. Do đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này phải có quy định hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất định nghĩa “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Ngoài ra, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em. Tuy nhiên, quy định vẫn còn tương đối chung chung, chưa thực sự rõ ràng.

Theo đó, nếu quảng cáo hướng đến trẻ em, thì ngay từ khâu thẩm định, phê duyệt đã có sự chú ý từ các chuyên gia và các cơ quan chức năng để xem xét, đánh giá. Nhưng có những quảng cáo không trực tiếp hoặc không hoàn toàn hướng đến trẻ em nhưng trẻ em cũng có thể bị tác động khi tiếp nhận quảng cáo, thì việc nhận diện và đánh giá tác động là khó khăn nhất định.

Có một số quảng cáo có thể chưa vi phạm đến thuần phong mỹ tục nhưng có những hình ảnh không đẹp mắt. Đại biểu Quốc hội lấy ví dụ quảng cáo thực phẩm có hình ảnh người truyền tải có động tác hay cách ăn uống rất xấu làm cho trẻ em tưởng rằng thế là đúng, thế là vui, trong khi chúng ta còn đang dạy trẻ em học ăn, học nói, học gói, học mở…

Vì thế, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em. Cần phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo.

Thanh Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/dai-bieu-quoc-hoi-kiem-soat-chat-quang-cao-tren-bao-chi-nhung-mang-xa-hoi-thi-rat-long-leo-f005cfc/