Đại biểu Quốc hội kiến nghị chuyển hơn 100 nghìn tỷ đầu tư công sang hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển hơn 100 nghìn tỷ đầu tư công không thể chi hết năm này sang hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch. Như vậy đoàn tàu kinh tế TP.HCM, Hà Nội, cả nước sẽ được tăng tốc trong thời gian sắp tới
Chiều (9/11), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội bước vào ngày thảo luận thứ hai về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và phòng chống dịch Covid-19.
Cần kinh phí mua "dầu" để đoàn tàu chạy trở lại
Nói về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP.HCM) cho biết, TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh khi chiếm tới 47% số ca nhiễm và 75% số ca tử vong của cả nước.
Thời gian giãn cách xã hội, toàn thành phố chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố). Tức là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm, mất thu nhập trong 4 tháng.
Dẫn lại dự báo trong năm 2021, TP.HCM tăng trưởng âm 5%, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nêu một số giải pháp cần tập trung triển khai, trong đó có tổng kết sâu sắc việc chống dịch trong 2 năm qua để thực hiện đồng bộ, hiệu quả và kiểm soát hiệu quả hơn nữa; phấn đấu đưa mức người nhiễm từ 1.000 ca/ngày xuống 500 ca/ngày.
TP.HCM cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm bệnh và gia đình của 16.600 người tử vong vì dịch bệnh, để họ phục hồi sức khỏe, tinh thần, tiếp tục mưu sinh, lao động. Đồng thời, cần hỗ trợ, thu hút trở lại 300.000 lao động phải về quê do dịch bệnh, hoặc sớm tìm nguồn bổ sung và cuối cùng là hỗ trợ doanh nghiệp quay lại sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, "đoàn tàu" kinh tế TP.HCM còn nguyên "đầu tàu và toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu".
"Chúng ta cần kinh phí mua "dầu" để đoàn tàu chạy trở lại. Khi tàu trở lại, bán được vé, có tiền thì sẽ có tiền trả nợ", ĐB Nguyễn Thiện Nhân nói, đồng thời nêu con số cần tính toán hỗ trợ cho 288 nghìn doanh nghiệp và 400 nghìn hộ kinh doanh.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân đưa ra dự báo, tại TP.HCM, khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại không cần hỗ trợ, nhưng 80% cần hỗ trợ vốn của Nhà nước để đủ vốn lưu động. Với mức bình quân khoảng 5 tỷ trên doanh nghiệp, 25 triệu trên hộ kinh doanh cá thể, tổng mức vay khoảng 440 nghìn tỷ đồng.
Đối với cả nước, ĐB Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ. Hiện nay chúng ta đã chi hơn 100 nghìn tỷ, dự kiến còn hơn 100 nghìn tỷ và thiếu 100 nghìn tỷ.
"100 nghìn tỷ này có sẵn, đó là đầu tư công, chúng ta còn chưa dùng hết hơn 100 nghìn tỷ năm nay. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển hơn 100 nghìn tỷ đầu tư công không thể chi hết năm này sang hỗ trợ doanh nghiệp và phòng chống dịch. Như vậy đoàn tàu kinh tế TP.HCM, Hà Nội, cả nước sẽ được tăng tốc trong thời gian sắp tới", ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Phải huy được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng mới đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2022
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho biết, năm 2021, chúng ta có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hơn 500.000 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được 65%. Năm 2022, kế hoạch giải ngân đầu tư công lên tới 526.000 tỷ đồng.
Để kinh tế tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022 như dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ đã đề ra, chúng ta phải huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong nhân dân gần 2 triệu tỷ đồng. Muốn vậy phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, và có thể hỗ trợ từ 2-3% cho khoản dư nợ từ 1 - 2 triệu tỷ đồng.
"Nếu chúng ta hỗ trợ trong vòng 2 năm thì chúng ta cần nguồn lực 40.000 - 60.000 tỷ đồng. Số tiền này chúng ta có thể lấy từ đầu tư công chưa phân bổ", ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Tại phiên thảo luận trước đó, ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng dự kiến 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được. Theo ĐB này, 3 tháng cuối năm phải nỗ lực rất cao, GDP phải đạt 8,6% may ra mới đạt được 3,5%. Do đó, vấn đề này Chính phủ phải đánh giá thận trọng.
Tương tự sang năm 2022, ĐB Lê Thanh Vân cũng cho rằng cần đánh giá một cách cẩn trọng với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Bởi từ nay đến tháng 6/2022 chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi từ đó mới phát triển được./.