Đại biểu Quốc hội kiến nghị giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc trong các cơ sở y tế

Đại biểu Quốc hội kiến nghị, việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm.

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Phát biểu thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu nêu bất cập về quy định mua thuốc cho các nhà thuốc bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện công lập.

Kiến nghị cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua thuốc

Góp ý về dự án Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, trong lĩnh vực y tế, do các đặc thù như nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi. Do đó, rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. “Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất” – đại biểu nêu và cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp.

Từ thực tế đó, đại biểu kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu”.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội trường.

Nói về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện sử dụng nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn thuộc đối tượng áp dụng Điều 2 Luật Đấu thầu nên gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Nếu sửa như trong dự thảo là áp dụng mua sắm trực tiếp thì chưa tháo gỡ khó khăn này với việc tổ chức mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc ở nhà thuốc bệnh viện. Lý giải về điều này, đại biểu cho biết mua sắm trực tiếp không phải là áp giá.

Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào về áp giá. Còn mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên vẫn cần thực hiện các quy định, trình tự lựa chọn nhà thầu, như xây dựng kế hoạch và khó xác định được nhu cầu để xây dựng kế hoạch, tổ chức thẩm định, phê duyệt hay lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ… Trong khi đó, thời gian các bước không thể rút ngắn hơn, mà nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn người bệnh ngoại trú và các đối tượng khác. Hiện nay, cũng chưa có mẫu hồ sơ yêu cầu đối với hình thức mua sắm thuốc.

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu góp ý dự án Luật Đấu thầu.

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu góp ý dự án Luật Đấu thầu.

Đại biểu cũng cho rằng, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế, nên việc hàng hóa được bán tại đây, bao gồm cả chi phí tổ chức đấu thầu, các loại thuế phí của cơ sở kinh doanh sẽ được tính trên giá thành sản phẩm, người dân sẽ phải chịu tăng thêm chi phí này.

Chúng ta đang tự làm khó, làm khổ mình

Cho rằng, đấu thầu không phải là con đường duy nhất, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, bệnh nhân vào bệnh viện khám chữa bệnh BHYT dùng thuốc BHYT thì chúng ta quản lý bằng đấu thầu thì “thôi cũng đành”. Tuy nhiên, các nhà thuốc bệnh viện, cơ sở bán lẻ thuốc đều được quản lý bằng thông tư của Bộ Y tế, tức là nguồn đầu vào, giá vào như thế nào, giá trị thuốc càng cao thì lợi nhuận càng thấp.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói về nguyên nhân thiếu thuốc trong các cơ sở y tế.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói về nguyên nhân thiếu thuốc trong các cơ sở y tế.

Đại biểu đề nghị, trong bối cảnh của bệnh viện thì phải sửa luật theo như đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất. Nếu không sửa được thì phải hiểu theo nghĩa rộng hơn là chúng ta tự quyết định hình thức mua sắm, có thể chỉ định thầu, có thể chào hàng cạnh tranh hay có thể mua sắm trực tiếp hoặc đàm phán giá. Như thế thì mọi người mới yên tâm.

Nói về việc thiếu thuốc, đại biểu cho rằng, chúng ta tự làm khó, tự làm khổ mình. Không có quốc gia nào mà một viên thuốc vào bệnh viện mà quản tùm lum như vậy. Mục tiêu số một vẫn là phải làm sao bảo đảm nâng cao sức khỏe người dân, bảo đảm thuốc chất lượng. “Đấu thầu không phải con đường duy nhất, không phải con đường tốt nhất. Nếu chúng ta chỉ chuyên chú vào chuyện giảm giá, thì đó sẽ là tiền đề của việc giảm chất lượng. Còn nếu chúng ta cho rằng đấu thầu chắc chắn là dẹp được tiêu cực, thì thực tế đã trả lời rồi” – đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-thuoc-trong-cac-co-so-y-te-i749511/