Đại biểu Quốc hội kiến nghị tạo điều kiện về chính sách, trang thiết bị phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm

Vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa

Chiều 26/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện KSND tối cao; Báo cáo công tác của TAND tối cao năm 2024; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, kiến nghị sửa luật và các quy định của pháp luật để tạo điều kiện tốt hơn để lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ.

Phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với các hành vi phạm tội và tệ nạn xã hội trong giới trẻ

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho biết, vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là đối tượng phạm tội vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. “Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí nóng, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, người dưới 18 tuổi gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng diễn biến phức tạp. Số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, xuất hiện nhiều đường dây mua bán trái phép các loại ma túy, hướng đến nhóm đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên” – đại biểu nêu.

Đồng thời, ông cho rằng, ngoài việc tăng cường và tổ chức thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo, cần thiết phải nghiên cứu sâu và đề ra giải pháp tổng thể để huy động toàn xã hội tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhà trường và đặc biệt vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, quản lý con em và sự nêu gương của cha mẹ đối với con cái để xây dựng nhân cách, đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật cho các cháu ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Phải coi đây là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng nhất của phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với các hành vi phạm tội và tệ nạn xã hội trong giới trẻ.

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tại phiên họp.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi, phải chăng tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên gia tăng là do sự hạn chế trong giáo dục của gia đình, ở nhà trường, xã hội dẫn đến việc đua đòi, nhiễm thói hư tật xấu, bỏ học sớm, thành lập hội nhóm theo kiểu giang hồ, tiêm nhiễm các nội dung xấu trên mạng xã hội. Đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, địa bàn nông thôn, biên giới để cho người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, phòng ngừa, phòng, chống các loại tội phạm, quản lý giáo dục con em, người thân trong gia đình, nhất là ngăn chặn trẻ em bỏ học, thất nghiệp, sống đua đòi buông thả. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong quản lý giới, vai trò của cha mẹ và của nhà trường trong quản lý, giáo dục trẻ em.

Hỗ trợ thỏa đáng về nguồn lực và đầu tư trang bị phương tiện cho các lực lượng

Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo, rà soát và có các chính sách phù hợp để hỗ trợ thỏa đáng về nguồn lực và đầu tư trang bị phương tiện tiên tiến, hiện đại cho lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý các loại tội phạm. Thống nhất việc sớm xem xét, ban hành quy định về cơ chế bảo vệ lực lượng CAND theo tinh thần Nghị quyết 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.

Các đại biểu dự phiên họp.

Các đại biểu dự phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đánh giá chế độ, chính sách cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý người bị kết án tử hình chưa cụ thể và thỏa đáng vì đây là công việc đặc thù, khó khăn, áp lực. Đại biểu kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hình phạt tử hình và một số quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định.

“Quy địnhvề hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam có cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa các cơ quan tố tụng và cơ sở giam giữ. Thậm chí mỗi vùng, mỗi đơn vị cũng có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình tổng hợp hồ sơ, tài liệu để phục vụ các nhiệm vụ trích xuất, chuyển trại, di lý. Vì vậy, tôi kiến nghị bổ sung quy định hướng dẫn chi tiết hơn về nội dung trên” – đại biểu nêu. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng đề nghị bãi bỏ quy định về việc xác định giá trị các loại súng, đạn tự chế vì thực tế hiện nay, các đối tượng chế tạo, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng chủ yếu là các loại súng tự chế nên không có cơ sở để định giá các khẩu súng này. Quy định phải xác định giá trị súng, đạn tự chế gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-kien-nghi-tao-dieu-kien-ve-chinh-sach-trang-thiet-bi-phuc-vu-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-i751454/