Thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng

Theo các ĐBQH, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng quan trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý đúng kế hoạch, đúng pháp luật, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.

Thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn

Chiều 26/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Tham gia ý kiến đối với công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết thời gian qua công tác này đã đạt được những kết quả tích cực, xử lý tội phạm rất thuyết phục, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt mong muốn. Nhiều tài sản thất thoát rất là nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn. Trong đó, tội phạm thường là những nơi công vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực giữa người có quyền với người cần sự trợ giúp.

Từ đó, đại biểu cho rằng phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm toán khách quan trung thực để phòng ngừa cho họ không dám, không lạm dụng, không ham.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo đại biểu, việc lãng phí thấy rất bình thường vì nó là vô hình, ít được quan tâm. Nếu xét cho cùng lãng phí có thể gây thất thoát không kém gì tham nhũng nếu có đánh giá đúng thực chất.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lãng phí và đưa vào nghị quyết để triển khai tổ chức thực hiện .

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân tại sao chúng ta đã thực hiện không ít giải pháp để kéo giảm tội phạm, nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng mạnh.

Trong đó, tội phạm có tổ chức tăng 46,08%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 83,36%, tham ô tài sản tăng 45,61%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 105,22%, hiếp dâm tăng 23,02%.

Một số tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường gia tăng như sản xuất, buôn bán hàng giả tăng 40,12%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 68,59%, gây ô nhiễm môi trường tăng 89,19%.

Củng cố và nâng cao niềm tin

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng với những kết quả đạt được đã tiếp tục khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước và sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng quan trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được xử lý đúng kế hoạch, đúng pháp luật, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, được dư luận và nhân dân đồng tình đánh giá cao.

ĐBQH Tô Văn Tám (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Tô Văn Tám (Ảnh: Media Quốc hội).

"Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tiếp tục đẩy mạnh, đã không làm chững lại đà phát triển mà là phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và nâng cao niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ đảng viên và nhân dân", ông Tám nói.

Ông Tám cho hay, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập của công tác này, những hạn chế, tồn tại đó là thẳng thắn và đúng mức. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ những báo cáo kỳ trước, mặc dù đã được tổ chức chỉ đạo khắc phục nhưng cũng chưa được triệt để.

"Việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác này", đại biểu đề xuất.

Nêu ý kiến, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nhìn nhận, trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được điều tra làm rõ, xét xử kịp thời, nghiêm minh, cử tri rất đồng tình.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên là vi phạm về quy hoạch xây dựng năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy tội tham ô tài sản tăng 45,61%. Vấn đề này theo đại biểu cần phải được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, về đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý dự án đầu tư để giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn đối với loại tội phạm này trong thời gian tới.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-hoi-tai-san-trong-cac-vu-an-hinh-su-ve-tham-nhung-kinh-te-con-ton-dong-204241126193431158.htm