Đại biểu Quốc hội lo chuyển đổi mục đích rừng ảnh hưởng phương án phòng chống lũ
Trình bày tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH nêu ý kiến rằng, nếu không có phương án bảo vệ môi trường khả thi thì sẽ còn băn khoăn khi bấm nút thông qua các Dự án Hồ chứa nước.
Chính phủ xin chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện 2 dự án hồ chứa nước
VOV cho biết Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Nguyễn Xuân Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã có báo cáo tóm tắt về đề nghị chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An và Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận, do Dự án hồ chứa nước Sông Than được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt lần thứ nhất vào 5/2010 với tổng mức đầu tư lên tới 716,588 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng là 801,16 ha. Nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên Dự án phải tạm dừng.
Trong Quyết định phê duyệt lần thứ hai năm 2017, hồ Sông Than được quy hoạch diện tích sử dụng đất là 1.011,87 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng 576,68 ha, bao gồm rừng sản xuất 514,56 ha, rừng phòng hộ là 6,89 ha, ngoài quy hoạch lâm nghiệp 55,27 ha. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 7/2018 đến nay mới khoảng 35% khối lượng công việc đã triển khai xây dựng.
Năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh diện tích đất rừng giảm mục đích sử dụng xuống còn 431,77 ha. Sau khi diện tích sử dụng đất được cập nhật thì Dự án Hồ chứa nước Sông Than thuộc dự án quan trọng quốc gia và thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 431,77 ha rừng (gồm rừng sản xuất 309,49 ha, phòng hộ 100,64 ha, diện tích đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng 21,66 ha) để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than, tỉnh Ninh Thuận.
Đối với Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Văn bản số 154/TTg-NN ngày 20/01/2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư năm 2009, đã được khởi công năm 2010 đến năm 2011 dự án đã phải tạm dừng do Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Đến năm 2017, dự án được bố trí vốn trở lại trong trung hạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện. Đến nay, Dự án đã triển khai xây dựng ước tính đạt khoảng 90% khối lượng công việc; lũy kế giải ngân đến nay đạt 83% và dự kiến cơ bản hoàn thành giai đoạn I là vào cuối năm 2020.
Tại Quyết định phê duyệt lần đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2009, tổng diện tích chiếm đất của Dự án là 5.259,31 ha, trong đó đất rừng phòng hộ là 94,0ha; đất rừng sản xuất là 671,11ha. Năm 2017, Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh dự án và năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã xác định diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 1.131,23 ha (Nghệ An 544,76 ha, Thanh Hóa 586,44 ha). Trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 312,96 ha; rừng sản xuất: 661,08 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 157,19 ha.
UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo của, diện tích rừng tự nhiên phải chuyển đổi là 662,55 ha đều thuộc loại rừng nghèo, nghèo kiệt; vị trí rừng tự nhiên phải chuyển đổi của Dự án là bắt buộc để bảo đảm hiệu quả đầu tư công trình.
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.131,22 ha đất rừng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An (544,78 ha) và Thanh Hóa (586,45 ha), trong đó: Rừng phòng hộ 312,96 ha rừng phòng hộ, 661,08 ha rừng sản xuất và 157,19 ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Tập trung vào công tác đánh giá tác động môi trường
Theo báo Pháp luật Việt Nam Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện hai Dự án Hồ chứa nước, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã báo cáo thẩm tra cho biết, theo khảo sát thực tế và báo cáo tại các địa phương, các tỉnh đều thực hiện tốt công tác trồng rừng, có tỷ lệ che phủ rừng cao. Diện tích rừng phải chuyển đổi để thực hiện Dự án đều là những diện tích bắt buộc phải chuyển đổi để bảo đảm hiệu quả công trình. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, chất lượng các diện rừng phải chuyển đổi đều là rừng nghèo, nghèo kiệt.
Ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh “Tuy nhiên, đối với Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, cần giải thích rõ thêm về tính tối ưu của việc điều chỉnh, nâng dung tích hồ chứa. Về hồ chứa nước Bản Mồng, cần lưu ý sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng thì cần theo dõi cập nhật báo cáo đánh giá tình hình tác động môi trường của Dự án”.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng hơn 1.100 ha đất rừng bao gồm cả rừng phòng hộ, rừng sản xuất để thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân thuộc khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi đó, việc giải ngân chậm khiến tiến độ thực hiện bị chậm.
Đại biểu Mai Sĩ Diễn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, thủ tục pháp lý Thủ tướng phải phê duyệt quy hoạch, sau đó là nguồn kinh phí để địa phương thực hiện. Theo ông Mai Sĩ Diễn, trước đây dự án có đánh giá tác động môi trường nhưng tới nay đã thay đổi điều chỉnh diện tích rừng. Qua đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải bổ sung đánh giá tác động môi trường.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng cho rằng, việc xây dựng phương án cần đề cập cụ thể hơn về đánh giá tác động môi trường liên quan tới dự án Dự án Hồ chứa nước sông Than và Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Việc phải giải phóng mặt bằng với rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ sẽ ảnh hưởng lớn tới phương án phòng chống lũ hay không? Thực tế vừa qua là trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung đã mang lại nhiều tiêu cực, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum): “Cần làm rõ thêm việc lấy rừng phòng hộ có tác động gì? Khi lấy diện tích lớn rừng phòng hộ, đầu nguồn sẽ có ảnh hưởng gì tới phòng chống lũ, điều tiết lũ? Dự án thường trình ra báo cáo rất đầy đủ nhưng khi vận hành thì lại có vấn đề xảy ra” Ông Tám nhấn mạnh.
Đại biểu Vương Đình Huệ (Đoàn Hà Nội) đề nghị tiếp tục rà soát tất cả các dự án hồ chứa nước chứ không chỉ hai dự án này, không để tình trạng vướng về tác động môi trường nên dự án bị chậm tiến độ, tránh gây lãng phí ngân sách.
Còn theo ý kiến đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng có nhiều hạng mục dậm chân tại chỗ 10 năm qua. Đã có phương án thay thế rừng tự nhiên bằng rừng trồng, song nếu không có phương án cụ thể về bảo vệ môi trường thì vẫn còn nhiều điểm chưa thuyết phục.
“Cá nhân tôi băn khoăn về cái gọi là “thay thế” bởi vì trên thực tế thì sẽ không thể thay thế được. Rừng tự nhiên có những đặc điểm mà rừng trồng không bao giờ có được, đó là khả năng giữ nước, giữ đất và bảo vệ môi trường. Nếu như chúng ta chưa làm rõ rõ tính khả thi, nếu như phải bấm nút thông qua 2 dự án này thì tôi vẫn còn băn khoăn”, đại biểu Lưu Mai nói.
Nguyễn Triệu
Xem thêm: Nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt Văn Cao - Hòa Lạc