Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng học sinh chửi bậy, mê game, trốn học
Nhiều học sinh ở các lớp tiểu học đã nói tục, chửi bậy, vô lễ với người lớn. Tuy tỷ lệ này ít nhưng nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng đến các học sinh khác và nhất là tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của các em sau này.
Thảo luận tại phiên họp Quốc hội chiều nay (1/6), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định đặc biệt lo ngại về vấn đề đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, hiện nay đang có tình trạng học sinh vi phạm về đạo đức và lối sống không tốt như vi dính vào các tệ nạn xã hội, gây bạo lực học đường, không kính trọng thầy cô, xem thường bạn bè, mọi người xung quanh, không lễ phép với ông bà, cha mẹ, cư xử thiếu tính nhân văn, mê game, trốn học. Nhiều học sinh ở các lớp tiểu học đã nói tục, chửi bậy, vô lễ với người lớn. Tuy tỷ lệ này ít nhưng nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng đến các học sinh khác và nhất là tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của các em sau này.
Đặt câu hỏi, lỗi để dẫn đến thực trạng đáng buồn trên do ai? Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, lỗi chính không phải là do các em học sinh, đạo đức và lối sống được hình thành từ noi gương và được dạy dỗ, giáo dục bởi người lớn. Vậy trách nhiệm chính phải thuộc về gia đình và nhà trường.
“Nếu gia đình và nhà trường không cùng nhận lỗi của mình thì đạo đức và lối sống của các em sẽ không được điều chỉnh tốt hơn. Việc đổ lỗi như vậy sẽ gây hậu quả các em học sinh không được uốn nắn trở thành con ngoan, trò giỏi.
Hiện nay, tôi thấy không ít gia đình nuôi dạy con theo cách làm sao để con mình khôn, không dạy biết rõ đúng, sai. Mỗi gia đình dạy một kiểu làm các em có suy nghĩ lối sống khác nhau, có tính ích kỷ, các em dễ xung đột với nhau trong giao tiếp dẫn đến bạo lực học đường. Nếu chúng ta tiếp xúc với các học sinh phương Tây, chúng ta sẽ thấy học sinh phương Tây rất ngây thơ và trung thực. Nhưng khi họ trưởng thành thì tôi lại thấy họ giỏi và khôn ngoan vì họ nhìn rõ được cái đúng, cái sai”, đại biểu thẳng thắn nêu thực trạng hiện nay.
Để giáo dục trẻ tốt hơn, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nên phân rõ trách nhiệm chính của cha mẹ là nuôi con và làm gương tốt cho con. Việc giáo dục, dạy dỗ, thưởng phạt hãy tin tưởng vào thầy cô vì nhà trường là mái nhà chung của các em, nơi các em cần được học tập, vui chơi, được dạy dỗ, quan tâm, cư xử một cách công bằng, được chỉ rõ điều hay lẽ phải, việc đúng, việc sai.
Trước đây, khi dẫn con đến trường, phụ huynh thường nói với thầy cô là xin được gửi cháu cho thầy cô dạy dỗ, cháu có gì hư thì thầy cô thay mặt bố mẹ dạy dỗ cháu nên người.
"Lời nói đó vừa là gửi gắm trách nhiệm, vừa là lòng tin dành cho thầy cô, cũng là động lực để thầy cô thương yêu, quan tâm nhiều hơn đến học sinh. Được thầy cô uốn nắn từ chữ viết, không chỉ để chữ các cháu rõ đẹp hơn mà để rèn luyện tính cần cù, kiên nhẫn cho các em, một đức tính cần thiết cho cuộc sống. Nhiều em được thầy cô quan tâm, phát hiện năng khiếu đã giúp gia đình phát huy được tài năng của trẻ.
Điều này cho thấy nếu gia đình và nhà trường có tiếng nói chung thì con em chúng ta sẽ được quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn, nếu vì một vài trường hợp cá biệt học sinh bị thầy cô la mắng, trách phạt mà phụ huynh mất lòng tin vào thầy cô thì thiệt thòi sẽ là bản thân các em và cả những học sinh chăm ngoan khác”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, đại biểu hiểu rằng cha mẹ nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học, không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Bởi vậy, con có ngoan, có giỏi, nên người hay không lại càng cần được sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô hơn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, học sinh dễ mắc phải nhiều bệnh về tâm lý cần được nhà trường quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, nếu học sinh không kính trọng thầy cô thì người lớn trong gia đình học sinh đó cũng sẽ nhận được cư xử tương tự từ con em của mình.
Nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục, trồng người, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, khi coi nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý thì cũng phải đảm bảo giáo viên ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. Các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương.
Nhiều nơi, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể là phải lo thêm cho gia đình. Để thầy cô toàn tâm, toàn ý lo soạn bài, giảng bài, chấm bài, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, bên cạnh đó còn phải quan tâm, thấu hiểu tâm lý của các học sinh, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Song song với nâng cao đời sống giáo viên, đại biểu Cảnh đề nghị đầu vào của sư phạm cũng cần được nâng lên. Trong nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách./.