Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề

Ngày 6/6, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh việc đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập. Cho nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học.

“Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của Bộ để khắc phục trong thời gian tới?”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu câu hỏi.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Câu thứ hai Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga gửi tới Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là: “Trong những năm qua, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh, tuy nhiên, số người bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu, theo Bộ trưởng là gì? Những giải pháp khắc phục của Bộ trưởng trong thời gian tới?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thẳng thắn nhìn nhận câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga là xác đáng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng “thực sự thì việc thu hút học sinh vào trường nghề hiện nay không phải dễ dàng”.

 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải: “Phần đa hiện nay các cháu vào học trường nghề vì 3 lý do như ban đầu tôi đã nêu. Gần đây, tại sao số cháu học trung cấp nghề được tăng lên? Vì chúng ta đang áp dụng một nguyên tắc, một phương pháp mới, đó là 9+ và mô hình Kosen của Nhật Bản, tức là học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì vào thẳng trường nghề, vừa học văn hóa, vừa học nghề, khi các cháu ra trường vừa có bằng nghề nhưng cũng đồng thời tốt nghiệp phổ thông theo các tiêu chuẩn và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn có lãng phí không? Chúng tôi chưa đánh giá kỹ việc này nhưng chúng tôi cho rằng không hoàn toàn lãng phí. Bởi vì nếu các cháu sau khi tốt nghiệp phổ thông rồi mới vào trường nghề, nếu học trung học phổ thông thì mất thêm 3 năm. Như vậy, chính việc vừa học nghề, vừa học văn hóa lại rút ngắn thời gian, nó thích ứng hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cháu khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động ngay”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mô hình này không phải riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển cũng đều áp dụng, nhất là Nhật Bản, thậm chí cả Canada, Đức cũng khuyến khích mô hình này. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong Chỉ thị 21 ngày 4/5 vừa rồi của Ban Bí thư cũng đã có kết luận vấn đề này. Chúng tôi lắng nghe ý kiến Đại biểu và sẽ đánh giá lại một lần nữa xem hiệu quả đích thực của nó là gì để chúng ta điều chỉnh cho phù hợp hơn”.

Về câu hỏi “số lao động Việt Nam đi nước ngoài tăng nhưng nhiều trường hợp bị lừa”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Số lao động Việt Nam đi nước ngoài trong năm 2022 của chúng ta là 142.000, chiếm khoảng xấp xỉ 10% số mà chúng ta giải quyết lao động trong một năm và con số này thông thường là khoảng 10%, năm cao nhất là 153.000. Số này do các công ty, các doanh nghiệp được cấp phép đưa đi. Hiện nay, có 482 doanh nghiệp được cấp phép và số người đi qua doanh nghiệp thì ít khi bị lừa”.

 Các đại biểu tham gia phiên chất vấn.

Các đại biểu tham gia phiên chất vấn.

Bộ trưởng phân tích thêm: “Tôi cũng xin nói rõ tinh thần như thế này, phần đông số bị lừa đều là “công ty ma”, công ty không được cấp phép hoặc lừa đảo. Tôi nói thậm chí là trá hình và những trường hợp này thì chúng tôi đã cùng với các cơ quan chức năng, cùng với các địa phương xử lý rất nhiều. Cũng có một số trường hợp là công ty được cấp phép nhưng cũng lừa đảo, lừa đảo cả 2 đầu, bên kia cũng lừa, bên này cũng lừa. Lừa ở đây có hai dạng lừa, một là lừa đi để thu tiền môi giới cao hơn; thứ hai là không đúng ngành nghề đào tạo, sang không đúng việc làm, cuối cùng sang bên đó là phải trả về hoặc là có những việc không tốt, phải trốn ở lại. Thời gian vừa qua thì Bộ cũng xử phạt nhiều”.

“Tôi báo cáo lại là trong năm 2022 thanh tra xử lý, xử phạt 62 doanh nghiệp, chủ yếu xử phạt bằng tiền, còn 4 doanh nghiệp phải thu hồi giấy phép. Để khắc phục vấn đề này thì chúng tôi sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó có tuyên truyền, xử lý vi phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-nguyen-thi-viet-nga-co-su-lang-phi-khong-he-nho-trong-dao-tao-trung-cap-nghe-post250577.html