Đại biểu Quốc hội: Nhiều văn nghệ sỹ 'bỗng' đau lưng, đau gối, yếu sinh lý... rao bán thuốc suốt ngày
Thảo luận tại tổ về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 2-11, Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội cho rằng), tình trạng 'loạn' quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng khiến nhiều văn nghệ sỹ bỗng đau lưng, đau gối, yếu sinh lý, 'rao' bán thuốc suốt ngày trên mạng.
Cũng theo Đại biểu Bùi Hoài Sơn, sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm khắc phục bất cập của các quy định hiện hành và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh. Thời gian qua, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng còn quá phức tạp, không tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, nên nhiều người có tâm lý ngại đi “đòi” quyền lợi. Bên cạnh đó các chế tài xử phạt đối với các cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “loạn” quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, quảng cáo sai sự thật khiến nhiều văn nghệ sỹ bỗng dưng đau lưng, đau gối, yếu sinh lý phải “rao” bán thuốc suốt ngày trên mạng.
Cùng cho ý kiến về nội dung này, ĐBQH - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, về các hành vi bị cấm trong Dự thảo Luật, cần bổ sung việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để bán các mặt hàng, hoạt động mê tín dị đoan.
“Tình trạng lấy hình ảnh người của tôn giáo ra để quảng cáo, giật gân, giật tít nhằm bán sản phẩm đang diễn ra khá phổ biến. Do đó, cần có quy định cấm hành vi này đồng thời nêu rõ chế tài đối với người lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo để cổ súy mê tín di đoan, bán hàng nhằm trục lợi” - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.
Còn theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy vậy luật cần bổ sung thêm quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực nhạy cảm.
“Hiện có nhiều dịch vụ liên quan đến tế bào gốc. Người sử dụng dịch vụ phải chi phí hàng trăm triệu đồng nhưng hiệu quả thấp. Tế bào gốc là thần dược dùng để điều trị các bệnh về máu nhưng không phải lĩnh vực nào cũng có tác dụng. Việc sử dụng tế bào gốc để làm đẹp, tăng khả năng tình dục… còn khá mơ hồ” - Đại biểu Trí nêu ví dụ.
Do vậy, theo vị đại biểu này, phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là trong các dịch vụ đặc thù, tốn kém.
Cho ý kiến về một số khái niệm được quy định trong Dự thảo luật, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phân tích, khái niệm “người tiêu dùng” chưa rõ, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại nhất là với sự phát triển của công nghệ thông tin, nên cần rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp.
Theo đại biểu, khái niệm “quyền lợi người tiêu dùng” còn mờ mịt thì làm sao bảo vệ được họ. Ban soạn thảo cần giải thích rõ ràng hơn về các nội dung này.
Mặt khác, với một số loại hàng hóa, người tiêu dùng có thể phát hiện được ngay có vấn đề về chất lượng, nhưng một số loại hàng cần thời gian, chuyên môn, máy móc mới phát hiện được. Quy định như Dự thảo luật đang đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.
Còn theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, cần bổ sung thêm quyền được tư vấn đối với người tiêu dùng. Nếu không được tư vấn về sản phẩm mình có nhu cầu thì người tiêu dùng không thể biết được công dụng của chúng đến đâu. Đặc biệt là với đối tượng là người cao tuổi - nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất, nếu không được tư vấn kỹ về các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thì họ dễ bị thiệt thòi.
“Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần đưa đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn vào luật vì phần lớn họ có hiểu biết, có kinh nghiệm, nắm được thông tin người ra, vào địa bàn. Nếu chỉ giao trách nhiệm cho Hội bảo vệ người tiêu dùng và đơn vị quản lý thị trường thì e rằng không hiệu quả” - Đại biểu Cừ nhấn mạnh.