Đại biểu Quốc hội nói gì về lấy phiếu tín nhiệm?
Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều mai 24/10, Quốc hội bắt đầu thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ niềm tin về kết quả của đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân này.
Kết quả lấy phiếu làm cơ sở cho công tác quy hoạch, thực hiện chính sách cán bộ
Theo bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ĐBQH tỉnh Điện Biên, một trong những điểm khác biệt của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. "Nếu như trước đây, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ thì bây giờ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ", bà thông tin.
Cụ thể, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì UBTVQH trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm có nhiều điểm đáng chú ý so với trước đây. Chẳng hạn như tiêu chí đánh giá tín nhiệm có xem xét cả sự gương mẫu không chỉ của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm mà cả với vợ, chồng, con của họ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao có tính đến cả tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao...
ĐBQH Tạ Thị Yên đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho các chức danh thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; đồng thời, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. "Qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước cũng như từng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị", Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu tin tưởng.
Không vì áp lực nào mà "bẻ cong" lá phiếu
Bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông Dương Khắc Mai cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả các khâu trong việc lấy phiếu tín nhiệm đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản, chặt chẽ, nên ông tin, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn sẽ diễn ra một cách tốt đẹp. "Qua quá trình công tác, các chức danh đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trên từng lĩnh vực, tôi đánh giá cao các Bộ trưởng, Trưởng ngành thời gian qua đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của mình", ông chia sẻ.
Về băn khoăn, có những chức danh hoạt động rất rõ nét, song cũng có những vị trí hoạt động chiều sâu, "ẩn mình", ĐBQH liệu có gặp khó trong việc đánh giá quá trình công tác, ĐBQH Dương Khắc Mai khẳng định, với gần 500 ĐBQH, qua các nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, dù các chức danh thể hiện rõ hay "ẩn mình" thì ĐBQH cũng sẽ đủ sáng suốt để đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với lĩnh vực hoạt động của từng vị trí công tác.
Cũng có ý kiến cho rằng, "Tư lệnh" ngành làm "tròn vai" thì phiếu sẽ cao hơn, những người phải đương đầu với những lĩnh vực khó khăn, đi kèm đó hứng chịu nhiều "búa rìu" dư luận thì phiếu sẽ thấp hơn. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông khẳng định, khi xem xét vấn đề nào đó cần phải xem xét một cách toàn diện, cả khách quan, cả chủ quan.
"Chúng ta phải lường hết những cái đó, vì quá trình thực hiện nhiệm vụ là quá trình diễn biến, rất nhiều phát sinh, có những việc giải quyết tốt, có những việc giải quyết chưa tốt; có tồn tại, hạn chế và trong tồn tại, hạn chế có cả khách quan, cả chủ quan. Tôi tin là, các ĐBQH hoàn toàn đủ sáng suốt để nhận định việc này, để bỏ phiếu tín nhiệm cho từng vị trí cụ thể một cách xứng đáng", ông thể hiện quan điểm.
Trong khi đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, được đông đảo đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. Kết quả lấy phiếu chưa biết sẽ ra sao, nhưng việc lấy phiếu sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, cho người dân biết.
Đối với những người có kết quả lấy phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp đều là kinh nghiệm rất lớn trong quá trình hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bản thân cũng như cơ quan, mối quan hệ của gia đình mình trên tất cả các lĩnh vực.
"Qua lấy phiếu tín nhiệm, bản thân tôi mong các vị ĐBQH xem kỹ báo cáo từng người, kết hợp nắm được quá trình hoạt động của từng chức danh, mối quan hệ gia đình và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của họ để bỏ phiếu, với tinh thần khách quan, trung thực, cầu thị, công tâm, không vì một áp lực nào đó mà mình "bẻ cong" hoặc bỏ những lá phiếu không đúng tâm tư, nguyện vọng của bản thân hoặc tình cảm của cử tri gửi gắm", ĐBQH Phạm Văn Hòa cho hay.