Đại biểu Quốc hội nói về đánh thuế VAT hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu

Hằng ngày có khoảng từ 4 đến 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình mỗi đơn hàng này có giá trị khoảng 200.000 đồng...

Như đã thông tin, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây cho biết, Chính phủ sẽ bỏ quy định 78/2010 về miễn thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu. Như vậy, các đơn hàng giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ phải đóng thuế.

Chủ trương này được các doanh nghiệp, chuyên gia, đại biểu Quốc hội tán đồng vì tạo sự cạnh tranh công bằng trong kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An):

Đề nghị không miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ

Với sự phát triển của thương mại điện tử thì hiện nay lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ ngày càng nhiều.

Theo số liệu thống kê, vào thời điểm tháng 3-2023, hằng ngày có khoảng từ 4 đến 5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Trung bình mỗi đơn hàng này có giá trị khoảng 200.000 đồng. Như vậy tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu hằng ngày lên đến khoảng 800 tỷ đồng.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An).

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An).

Con số này còn có thể tăng thêm do thương mại điện tử của nước ta đang thuộc một trong top 10 nước phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Do vậy, đối với từng đơn hàng giá trị có thể nhỏ nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng rất lớn. Nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn và chưa kể còn có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế.

Bên cạnh đó, việc miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế lớn.

Trước hết, việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước và đồng thời do không phải tính thuế nên việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa này cũng sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh cao hơn.

Trong mấy ngày gần đây, có một số sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang bán hàng với giá trị rất nhỏ, rất thấp, rất rẻ và rất cạnh tranh. Nếu không có những giải pháp sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra, việc miễn thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ chủ yếu để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, với việc áp dụng công nghệ thông tin thì hiện nay việc thực hiện thủ tục hải quan và thu thuế cũng đã giảm bớt thời gian và các thủ tục rườm rà khác.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Trước đây Liên minh Châu Âu đã cho miễn thuế với các giao dịch có giá trị dưới 150 euro qua biên giới nhưng từ ngày 1-7-2021 thì quy định này đã bị bãi bỏ nhằm giảm thất thu thuế từ thương mại điện tử và bảo đảm sự công bằng trong lĩnh vực kinh doanh. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã có những bước đi tương tự.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị không miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử. Hiện nay luật hiện hành và dự thảo luật cũng không quy định về vấn đề này nhưng việc miễn thuế đang được thực hiện theo Quyết định số 78 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, đây là điểm chưa phù hợp với chính sách do luật định. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần quy định rõ trong Nghị quyết chung của kỳ họp lần này về việc cần sớm chấm dứt Quyết định 78 này.

 Việc miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế lớn. Ảnh: TL

Việc miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu sẽ được hưởng nhiều lợi thế lớn. Ảnh: TL

Đại biểu Trình Lam Sinh - An Giang:

Rất cần xây dựng cơ chế để quản lý thuế hiệu quả

Tôi có đề xuất cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết về việc quản lý, kê khai và thu thuế đối với các dịch vụ xuyên biên giới.

Bởi vì, hiện nay các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới đang gia tăng mạnh mẽ, chúng ta rất cần xây dựng cơ chế để quản lý thuế hiệu quả, đảm bảo tính công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

 Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội):

Lo hàng trong nước bị bóp nghẹt

Cảnh báo hàng hóa giá rẻ từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tràn vào có thể chiếm lĩnh thị trường nội địa, bóp nghẹt nền sản xuất trong nước.

Mọi người đều thấy thời gian qua sàn thương mại điện tử Temu quảng cáo rất rầm rộ. Hàng hóa bán trên đó giá giảm đến 70% so với mặt bằng chung và có thể khiến người tiêu dùng trong nước tập trung vào đó mua hàng

 Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đây là một cảnh báo, nguy cơ rất lớn khiến sản xuất của chúng ta sẽ không còn thị trường trong nước nữa, các hàng hóa giá rẻ đó sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, khiến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa phải đóng cửa.

Đề nghị phải có hành động ngay để kiểm soát đối với loại hàng hóa này. Đầu tiên là kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Tiếp nữa, cần xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa dưới 1 triệu còn phù hợp không trong bối cảnh hàng hóa qua thương mại điện tử xuyên biên giới đang tràn vào chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cuối cùng, là tăng cường kiểm soát hành chính đối với loại hàng hóa này, thay vì cho nhập khẩu dễ dàng, để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Nhiều nước đã bỏ việc miễn thuế

Việc miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhỏ thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Tokyo mà Việt Nam chúng ta tham gia, sau đó được cụ thể hóa tại Quyết định 78 năm 2010.

Tuy nhiên hiện nay các quốc gia khác đã bỏ, ví dụ như EU đã xóa bỏ không tính thuế đối với giá trị hàng hóa dưới 22 USD, Singapore bắt đầu bỏ từ 1-1-2023, Thái Lan thu thuế VAT 7% với tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu.

Điều đó chứng tỏ công ước quốc tế được các quốc gia tham gia không thực hiện. Vì vậy, về phía Chính phủ sẽ bãi bỏ Quyết định 78 và đã đưa vào quy định tại dự thảo luật đối với hàng hóa nhỏ đều phải nộp thuế.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-noi-ve-danh-thue-vat-hang-nhap-khau-gia-tri-duoi-1-trieu-post817788.html