Đại biểu Quốc hội: Sau dịch, có nơi không dám dùng xe chuyên dụng 7 tỷ đồng

Có địa phương được tài trợ xe chuyên dụng phục vụ chống dịch giá trị khoảng 7 tỷ đồng, nhưng sau dịch lại cất đi không dám dùng vì không biết xác lập giá trị tài sản này như thế nào và quản lý, sử dụng ra sao.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch Covid-19 còn nhiều vướng mắc; Thiếu văn bản hướng dẫn hoặc các cơ quan liên quan chậm đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.

Khó xác lập được giá trị tài sản tài trợ

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) nêu ý kiến, việc thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ NSNN trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch vẫn còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời, nhất là nguồn kinh phí ngoài ngân sách vẫn chưa biết triển khai như thế nào. Theo báo cáo, nguồn kinh phí ngoài ngân sách 43,6 nghìn tỷ đồng được huy động để trực tiếp phòng chống dịch; 11,6 nghìn tỷ huy động vào Quỹ Vaccine và 160 triệu liều vaccine quy ra khoảng 24.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương đang gặp vướng mắc trong thanh quyết toán nguồn kinh phí này.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) nêu vướng mắc trong thanh quyết toán nguồn kinh phí ngoài ngân sách.

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) nêu vướng mắc trong thanh quyết toán nguồn kinh phí ngoài ngân sách.

Đại biểu Khải đơn cử, có địa phương trong cao điểm chống dịch được tài trợ xe chuyên dụng phục vụ xét nghiệm lưu động giá trị khoảng 7 tỷ đồng, nhưng sau khi sử dụng xong lại cất đi vì không biết xác lập giá trị tài sản này như thế nào và quản lý, sử dụng ra sao.

“Nếu chúng ta không tháo gỡ việc thanh quyết toán cho nguồn tài sản này sẽ khiến tất cả các địa phương gặp vướng mắc. Nhiều tài sản vật chất tài trợ, ủng hộ nhưng thiếu hồ sơ, chứng từ thuế… nên nhiều địa phương hiện không biết ứng xử như thế nào với những tài sản này, xác lập làm sao để ra giá trị thuộc sở hữu toàn dân từ đó sử dụng và khai thác hợp lý”, Đại biểu Trần Văn Khải góp ý.

Cùng đưa khó khăn khi sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình giám sát của ĐBQH đã nhận diện, Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tình Hà Giang) cho biết, có vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tình Hà Giang) đề cập vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch.

Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tình Hà Giang) đề cập vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ trong phòng, chống dịch.

Trong điều kiện dịch bệnh cấp bách, hầu hết các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng, chống dịch phải phân bổ ngay cho các cơ sở y tế để kịp thời sử dụng phục vụ điều trị cho người bệnh, tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng, nhưng đến nay các tài sản này chưa được thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân. Nhưng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản đã dẫn đến khó khăn cho việc xác lập sở hữu toàn dân về tài sản được tài trợ, tặng, cho.

“Nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị tài sản hoặc giá trị tài trợ, biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố công khai trên thị trường và cổng thông tin của các cơ quan chức năng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ, nhất là xác định giá trị tài trợ trong trường hợp tài sản đã được cho, tặng để xác lập sở hữu toàn dân cũng như cách xác định giá trị đối với tài sản cũ đã qua”, Đại biểu Tráng A Dương nêu vướng mắc.

Vay nợ vật tư, sinh phẩm chưa biết xử lý thế nào

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại như đã đề cập, Đại biểu đề nghị Quốc hội quy định rõ Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn ngay việc xác lập sở hữu toàn dân đối với những tài sản tài trợ, cho, tặng, biếu trong phòng, chống dịch Covid để quản lý, sử dụng, nhất là đối với các cơ sở y tế xác định tính giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế.

Theo Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), trong quá trình triển khai chống dịch, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế ngoài việc đảm bảo bố trí đủ nhân lực, chuyên môn y tế còn được giao nhiệm vụ tổ chức mua sắm vật tư, sinh phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch với phương châm 4 tại chỗ.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, nhiều địa phương cho vay và nợ vật tư sinh phẩm y tế đến nay chưa có hướng giải quyết.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, nhiều địa phương cho vay và nợ vật tư sinh phẩm y tế đến nay chưa có hướng giải quyết.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau và tại một số thời điểm, các mặt hàng y tế khan hiếm, giá cả thường xuyên dao động nên đã xảy ra tình trạng thiếu vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Để đảm bảo vật tư, sinh phẩm phòng, chống dịch, một số địa phương đã phải tổ chức vay mượn của các đơn vị tuyến trên, đơn vị bạn và một số nhà cung cấp trước đó.

“Đến nay, dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn một số địa phương đang nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19 và chưa có phương án tháo gỡ vướng mắc. Để sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này, Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, nhanh chóng có phương án xử lý vướng mắc cho nhiều địa phương”, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân mong muốn./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-sau-dich-co-noi-khong-dam-dung-xe-chuyen-dung-7-ty-dong-post1023188.vov