Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 23-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ và tính chủ động, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương trong việc hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cũng chia sẻ một số đánh giá và đề xuất nhằm triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc trong giai đoạn tới.
Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đã có một số kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận: 3/33 dự án giao thông trọng điểm vùng đã hoàn thành và đi vào sử dụng; 15 dự án đang triển khai,… Các dự án đang tạo trục động lực kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với trung tâm kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án này cần được đẩy nhanh hơn. Quan tâm đến tuyến Quốc lộ 279, đại biểu nhấn mạnh, tuyến đường có chiều dài 944km, chủ yếu đi qua các huyện nghèo của 7/10 tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Năm 2024, cơn bão số 3 gây mưa lớn kéo dài, làm sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn, ảnh hưởng lớn đến giao thông, vận chuyển hàng hóa và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, đưa dự án đầu tư cải tạo Quốc lộ 279 vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận.
Ngoài các vấn đề về giao thông, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác khảo sát, đánh giá địa chất và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với các công trình hạ tầng trọng yếu, đặc biệt tại các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất như Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên; đồng thời tiến hành rà soát, đánh giá về an toàn hồ đập nhằm kịp thời xây dựng phương án phòng ngừa, thích ứng và nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, đại biểu cho biết, Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, xác định Thái Nguyên và Lào Cai là hai trung tâm công nghiệp luyện kim quan trọng.
Trong đó, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên là công trình có ý nghĩa lan tỏa lớn đối với ngành công nghiệp luyện kim và phát triển kinh tế của vùng. Đại biểu đánh giá, thời gian qua công tác xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả tiếp tục được quan tâm tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xử lý Dự án này, trước mắt cần có phương án khoanh nợ để tránh việc Dự án phải tiếp tục chịu các khoản lãi do nợ quá hạn.
Đề cập đến ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến trạm thu phí trên Quốc lộ 3 (trạm Bờ Đậu, hoàn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT), đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn về nội dung tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ngay sau khi nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP được Quốc hội thông qua.
Đại biểu khẳng định, nếu tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trên, Thái Nguyên sẽ có điều kiện và động lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số.
Đồng tình với đánh giá của đại biểu Đoàn Thị Hảo về những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) nêu dẫn chứng, việc Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư và tái khởi động Dự án đường Bắc Sơn kéo dài sẽ tạo động lực cho Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống đường cao tốc, giao thông kết nối vùng. Đại biểu bày tỏ tin tưởng những chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội, sự đồng hành của Chính phủ và tinh thần quyết liệt của chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.
Cho rằng dạy thêm học thêm là nhu cầu thực sự nhưng việc triển khai trong thực tế đã bị biến tướng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm là kịp thời.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát để hạn chế tình trạng tăng mức tiền học thêm tại các trung tâm dạy thêm.
Đại biểu cũng đề nghị, ngoài việc thực hiện nghiêm Thông tư 29 cần có giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay và một trong các giải pháp đó là tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa phổ thông cũng như việc đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Đại biểu Nguyên Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận.
Quan tâm đến các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, đại biểu Nguyễn Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) lưu ý, sau sắp xếp đơn vị hành chính, quy mô các địa phương thay đổi rất nhiều, tạo nên sự thay đổi rất lớn về tính chất và đặc điểm cũng như sự phát triển.
Trong bối cảnh mới, những ưu tiên, định hướng và các vấn đề đặt ra trong phát triển cũng có nhiều thay đổi và cần được xem xét, bổ sung trong đánh giá nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó cũng cần đánh giá lại quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương thời gian qua đã đạt mức độ thế nào.
Đặc biệt, các cơ chế, chính sách đặc thù này đặt trong bối cảnh hệ thống pháp luật cũ. Do đó, khi đối chiếu với thể chế mới, đặc biệt là 04 nghị quyết Trung ương về đổi mới, cải cách và các quy định phân cấp trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần rà soát để xác định nội dung nào còn phù hợp, nghiên cứu ban hành nghị quyết điều chỉnh cho các địa phương để tạo điều kiện và động lực cho các địa phương tiếp tục phát triển.