Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội, bình đẳng giới và thực hành tiết kiệm

Sáng nay, 23/5, dưới sự điều hành của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, Tổ ĐBQH 12 gồm đại biểu các đoàn Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận tiến hành phiên thảo luận tại tổ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng điều hành phiên thảo luận tại tổ.

Các đại biểu đã thảo luận 3 nội dung, gồm: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) năm 2023.

Các ý kiến của ĐBQH tỉnh Quảng Bình đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Theo đó, với tốc độ tăng trưởng GDP 5,66%, dù chưa đạt chỉ tiêu nhưng đã thuộc loại cao trong khu vực Đông Nam Á với nhiều chỉ tiêu ấn tượng. Tuy nhiên, cần xem lại một số vấn đề ở lĩnh vực ngân hàng. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tín dụng thấp, dư nợ tín dụng 4,6%, giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận.

Ý kiến cũng phân tích, làm rõ một số nguyên nhân, như: Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không mạnh dạn vay vốn, thị trường bất động sản phục hồi chậm, lãi suất thấp nên người dân đầu tư vào mua vàng khiến thị trường vàng có nhiều biến động... Đại biểu cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại việc đáo hạn, tránh để xảy ra tiêu cực và những hệ lụy.

Các ý kiến cũng đề cập đến những vấn đề như tiền lương và chế độ đãi ngộ còn thấp, công tác thi đua khen thưởng chưa thực sự tạo động lực dẫn đến đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Cùng với đề xuất các giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng “chảy máu chất xám”, đào tạo đúng nhu cầu, địa chỉ, tránh lãng phí, ý kiến thảo luận cũng đề nghị tăng cường rà soát công tác thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa sai phạm, nhất là ở các tập đoàn lớn và tình trạng lừa đảo, tội phạm công nghệ cao xảy ra trong thời gian qua…

Đối với báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG năm 2023, ý kiến của ĐBQH tỉnh Quảng Bình khẳng định, thời gian qua, BĐG được quan tâm ở nhiều lĩnh vực, công tác tổ chức bộ máy, báo cáo của Chính phủ đã thống kê ra nhiều con số về lãnh đạo nữ tại các bộ, ngành, địa phương, cho thấy công tác BĐG đã được quan tâm. Ở Quảng Bình, đầu nhiệm kỳ 2020-2025, số lượng nữ giới trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thuộc nhóm thấp nhất cả nước, nhưng đến thời điểm này đã được cải thiện mạnh mẽ nhờ tỉnh đã tích cực cụ thể hóa các quan điểm của Đảng bằng chỉ thị, nghị quyết… phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đồng chí Trần Quang Minh thảo luận tại tổ.

Đồng chí Trần Quang Minh thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân, từ đó có giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện, trong đó cần có vai trò giám sát của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; quan tâm cán bộ nữ trong tổ chức công đoàn…

Phát biểu kết luận tại phiên thảo luận tổ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng khẳng định, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với báo cáo của chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Báo cáo đã đánh giá khách quan, công tâm, rõ nét bức tranh tổng thể về KT-XH, BĐG, thực hành tiết kiệm một cách toàn diện. Báo cáo cũng đã phản ánh khách quan những ý kiến của cử tri.

Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ với những băn khoăn về tốc độ tăng trưởng, thị trường vàng, ngoại hối, bất động sản, phân khúc thị trường chung cư, nhà ở xã hội … gây mất ổn định thị trường vĩ mô và khó khăn lớn cho người dân có thu nhập trung bình trong tiếp cận nhà ở. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn.

Khái quát các nội dung thảo luận của đại biểu Tổ ĐBQH 12 về suy giảm đầu tư trong nước, các lĩnh vực tiêu dùng, du lịch, dịch vụ chưa thực sự phục hồi, gây ảnh hưởng đến tổng cầu, ý kiến kết luận đề nghị Chính phủ tiếp tục có các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Các ý kiến của Tổ ĐBQH 12 cũng quan tâm đến vấn đề quốc phòng-an ninh, đặc biệt ghi nhận việc vinh danh các anh hùng dân tộc, tổ chức kỷ niệm các sự kiện lịch sử lớn thời gian qua đã thể hiện sức mạnh của đất nước và hào khí trong nhân dân. Một số vấn đề liên quan đến tiết kiệm nguồn vốn, vốn đầu tư công vẫn chậm được giải ngân, chưa được sử dụng hiệu quả; tình trạng bất bình đẳng, bạo hành gia đình, trẻ em vẫn còn xảy ra… Đồng chí Vũ Đại Thắng đề nghị các đại biểu tiếp tục phát huy, đóng góp ý kiến thảo luận tại hội trường trong các phiên họp tới.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202405/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-tai-to-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-binh-dang-gioi-va-thuc-hanh-tiet-kiem-2218262/