Đại biểu Quốc hội thảo luận về 3 dự án luật
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 8/5, đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh điều hành thảo luận tại tổ 19, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Phú Thọ, Đồng Nai về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Đây là các dự án luật có phạm vi tác động rộng, liên quan chặt chẽ đến công cuộc cải cách tư pháp, kiện toàn bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương của Đảng.

Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm điều hành thảo luận tại tổ.
Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: Việc sửa đổi các luật này nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không tổ chức cấp trung gian (cấp huyện đối với Tòa án nhân dân và Viện KSND), sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Các dự án luật cũng khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan này, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong tình hình mới.
Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số từ, cụm từ và chỉnh sửa các khoản, điều để bảo đảm phù hợp với thực tế và dễ dàng áp dụng khi thực thi pháp luật.

Đồng chí Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an Nguyễn Tiến Nam tham gia thảo luận tại tổ.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND, đồng chí Nguyễn Tiến Nam đề nghị: Việc giao Viện trưởng Viện KSND tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự như quy định tại khoản 14, Điều 1, dự thảo luật là chưa thống nhất với Luật Giám định Tư pháp. Bởi Luật Giám định Tư pháp quy định Bộ Công an được Chính phủ giao quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định viên kỹ thuật hình sự. Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường tham gia thảo luận tại tổ.
Cũng liên quan vấn đề này, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, sẽ kiến nghị với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội để xem xét quy định tại khoản 14, Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện KSND đã phù hợp hay chưa. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường cũng nêu một số từ, cụm từ trong các dự thảo luật còn chưa hợp lý đề nghị được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.