Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Chiều nay, 21/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS).

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia thảo luận tại hội trường.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận tại hội trường chiều 21/5.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận tại hội trường chiều 21/5.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận với nội dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá (TSĐG), đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với tài sản đưa ra đấu giá.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đã tham gia một số nội dung, như: Tại hội nghị ĐBQH chuyên trách vừa qua, đồng chí đã có ý kiến về các quy định của Luật ĐGTS hiện nay đang “bỏ trống” các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS. Quá trình tổ chức thi hành có ý kiến cho rằng tổ chức ĐGTS được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự.

Do đó, đồng chí đề nghị tại khoản 5, Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 9 của luật) cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS, như: Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc ĐGTS hoặc thực hiện việc ĐGTS không đúng quy định.

Tuy nhiên tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa rõ. Vì vậy, đồng chí tiếp tục đề nghị cân nhắc, xem xét bổ sung quy định này.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đồng chí Nguyễn Minh Tâm thảo luận về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tại khoản 24, Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 38 của luật), đồng chí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc một số nội dung về hồ sơ niêm phong. Đồng chí đề nghị luật cần quy định rõ quy trình, thủ tục mở niêm phong đối với bộ hồ sơ do tổ chức hành nghề đấu giá lưu giữ, thành phần tham gia và chứng kiến. Ngoài ra, cần quy định rõ cách thức xử lý trong trường hợp 2 bộ hồ sơ niêm phong có tài liệu không giống nhau. Và nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định trong quá trình xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá, người có tài sản có thể yêu cầu người tham gia đấu giá bổ sung hồ sơ để chứng minh điều kiện tham gia đấu giá nếu hồ sơ chưa thể hiện rõ các điều kiện hay không.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ các vướng mắc và thống nhất trong áp dụng, đồng chí đề nghị quy định rõ hơn tại một số nội dung thuộc Điều 1 và Điều 38, tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Ý kiến của đồng chí Nguyễn Minh Tâm cũng nêu lên thực tế thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp người trúng ĐGTS mặc dù đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính nhưng gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trúng đấu giá (đặc biệt liên quan đến đất đai). Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tâm lý e ngại của người dân trong việc tham gia đấu giá đối với những tài sản đưa ra đấu giá để bảo đảm thi hành án, những tài sản thế chấp tại các ngân hàng.

Ý kiến chỉ rõ: Tại khoản 2, Điều 7 của luật, được dự thảo sửa đổi, bổ sung tại khoản 4, Điều 1 có quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được TSĐG ngay tình, như sau: “Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với TSĐG thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được TSĐG ngay tình. Việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với TSĐG, khởi kiện về hiệu lực pháp lý của cuộc đấu giá thành, việc hủy kết quả ĐGTS quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 72 của luật này được thực hiện theo thủ tục rút gọn của pháp luật tố tụng dân sự”.

Tuy nhiên theo đồng chí Nguyễn Minh Tâm, dự thảo mới chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được TSĐG ngay tình khi có tranh chấp với người thứ ba, mà chưa có quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được TSĐG ngay tình nhưng không làm được thủ tục để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trúng đấu giá do tài sản đó “có vấn đề” trước khi đưa ra đấu giá. Luật cũng chưa có quy định để xác định trách nhiệm của các bên liên quan (ngân hàng, tổ chức công chứng, tổ chức đấu giá) trong việc đưa tài sản “có vấn đề” ra đấu giá, dẫn đến vướng mắc sau khi đấu giá xong, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được TSĐG.

Do đó, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được TSĐG ngay tình; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với tài sản đưa ra đấu giá.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202405/dai-bieu-quoc-hoi-thao-luan-ve-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-dau-gia-tai-san-2218211/