Đại biểu Quốc hội: Thiếu công bố, công khai thông tin quy hoạch gây sốt đất ảo, đầu cơ
Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Công bố, công khai thông tin quy hoạch chưa được coi trọng
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ tán thành và thống nhất với những nhận định của Đoàn giám sát của Quốc hội về những kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, cơ bản báo cáo đánh giá toàn diện, khách quan về việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội.
Theo đó cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện một số giải pháp cụ thể khác hàng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Đoàn giám sát đã chỉ rõ. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Hoàn chỉ ra rằng, một trong những nội dung quan trọng thì chưa được báo cáo rõ với Quốc hội, đó là công tác công bố công khai thông tin quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Việc công bố công khai thông tin quy hoạch một số địa phương còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục, chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để công khai và cung cấp thông tin quy hoạch có hiệu quả. Trên thực tế cho thấy, công tác công bố công khai thông tin quy hoạch nói chung thực sự còn rất hình thức, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất và quyền xây dựng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch bảo đảm chất lượng quy hoạch, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đại biểu cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc,
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) kiến nghị với Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 quốc gia với các quy hoạch có liên quan.
Để có đầy đủ căn cứ thực hiện thu hồi đất, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh vì khối lượng công việc để thẩm định quy hoạch tỉnh là rất lớn. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thẩm định, phê duyệt với những giải pháp thật khoa học, chi tiết, cụ thể, trong đó giao rõ nhiệm vụ cho các Tổ công tác rồi đầu mối chịu trách nhiệm, cơ quan phối hợp, thời điểm hoàn thành từng đầu việc theo quy trình và cần thiết phải thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và có cơ chế để bảo đảm.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Huy còn nhấn mạnh, trong trung và dài hạn cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch, đặc biệt là kịp thời và đồng bộ với sửa đổi Luật Đất đai mà theo dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 sẽ được đưa vào xem xét bắt đầu từ Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất giữa các quy hoạch
Giải trình một số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, bất cập đầu tiên trong công tác quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra một quy hoạch cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp. Bất cập thứ hai là quy hoạch cần dựa trên cơ sở thực tiễn, chiến lược kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng thông qua. Quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp. Theo Bộ trưởng, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong một quy hoạch là một điều rất khó khăn trên thực tế.
Hiện nay chúng ta đã có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị quyết này đã tháo gỡ những khó khăn về mặt kỹ thuật, để giải quyết những vấn đề mới. Bộ trưởng cho rằng cần thực hiện lập đồng thời các quy hoạch, tuy nhiên cần phối hợp có hiệu quả hơn nữa giữa các cấp, các ngành trong việc lập quy hoạch.
Cho rằng Luật Quy hoạch là rất quan trọng, Bộ trưởng cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, cần tích hợp các quy hoạch để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất giữa các quy hoạch.