Đại biểu Quốc hội: Thủ đô phải giữ được không gian văn hóa, nét đẹp riêng có

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, ông vẫn thích Thủ đô có 'phố nhỏ, ngõ nhỏ', phải giữ được cái 'hương hồn' trong khu vực 36 phố cũ, không gian văn hóa, nét đẹp riêng có của Thủ đô...

Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với tổng số đại biểu biểu quyết tán thành chiếm tỷ lệ rất cao (95,06%). Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với phóng viên Báo Lao động Thủ đô về cảm xúc của ông sau khi bấm nút thông qua dự án Luật quan trọng này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết: “Tôi ủng hộ tuyệt đối những nội dung của Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, vì Luật đã kế thừa Luật Thủ đô trước đây và cập nhật những quy định mới, những cơ chế mới áp dụng cho các địa phương cũng được tích tụ các tinh túy đó vào Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Hầu hết ở các quốc gia đều có luật dành riêng cho Thủ đô, vì Thủ đô là trái tim của đất nước, nên cần phải có những cơ chế hết sức đặc thù. Điều quan trọng nữa, Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt quốc gia, nên những cơ chế, chính sách phải được phân cấp mạnh mẽ cho lãnh đạo Thủ đô để có những quyết sách sớm, cũng như có thể điều chỉnh những bất hợp lý ngay, mà không phải chờ thủ tục xin ý kiến của Chính phủ. Tôi thấy các nội dung của Luật Thủ đô được thông qua rất toàn diện”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, ông quan tâm nhiều nhất đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy, quản lý đô thị và mở rộng không gian phát triển Thủ đô.

Theo đại biểu, những phân cấp, phân quyền đó sẽ giúp Thủ đô có cơ chế, chính sách để phát triển, giảm bớt tắc nghẽn hiện nay về giao thông, hạ tầng, bệnh viện, trường học... vì khi mở rộng được không gian phát triển, sẽ giảm được mật độ dân số ở khu vực trung tâm.

“Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải hỗ trợ Thủ đô hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô và mở rộng không gian phía Nam, phía Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm, để Hà Nội trở thành nơi đáng đến và đã đến rồi thì giờ muốn trở lại.

Tôi vẫn thích Thủ đô có “phố nhỏ, ngõ nhỏ”, phải giữ được cái hương hồn trong khu vực 36 phố cũ, chỉ chỉnh trang lại. Phải giữ cho được cái trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa ngàn năm văn hiến, chứ không phải Thủ đô là trung tâm kinh tế, nét đẹp văn hóa của Thủ đô là quan trọng nhất.

Việc mở rộng không gian cho vùng Thủ đô phát triển thì đúng, chúng ta đã có kế hoạch mở rộng tới 5 không gian phát triển đô thị, ngoài đô thị trung tâm có 4 đô thị vệ tinh. Vấn đề là kết nối hạ tầng để mở rộng.

Muốn kết nối hạ tầng đồng thời phải có nguồn lực và phải có phân cấp thì mới làm nhanh được. Cho nên Luật Thủ đô đẩy mạnh phân cấp để làm nhanh những thủ tục mà hiện nay phải xin ý kiến của các bộ, ngành", đại biểu nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô là cần thiết. Ảnh: Phương Ngân.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô là cần thiết. Ảnh: Phương Ngân.

Theo dự thảo Luật được thông qua, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Cũng theo Luật được thông qua, việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Hội đồng nhân dân quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; việc đầu tư các nguồn lực nhằm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển văn hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thu-do-phai-giu-duoc-khong-gian-van-hoa-net-dep-rieng-co-172884.html