Đại biểu Quốc hội: 'Thủ tục hành chính vẫn là cỗ xe ì ạch'
Cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ.
Chất vấn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sáng 6/6, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho biết, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được những kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên theo ông, “thủ tục hành chính vẫn là cỗ xe ì ạch” làm cản trở sự phát triển. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết các điểm nhấn quan trọng nhất mà Chính phủ đã làm được trong thời gian qua và thứ tự ưu tiên cải cách thế chế cần tập trung trong thời gian tới?
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiệm kỳ này, Chính phủ đã có nhiều chính sách cắt giảm thủ tục hành chính, lớn nhất là kiện toàn cơ quan quản lý, giảm được phần lớn các tổng cục để giảm đi các cơ quan trung gian. “Giảm bao nhiêu cơ quan trung gian là giảm bấy nhiêu thủ tục hành chính,” ông nói.
Chính phủ đã họp trực tuyến, giải quyết thủ tục trực tuyến, đề ra mục tiêu giải quyết thủ tục trực tuyến trên cấp độ 4. Có hai vấn đề, một là ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia kết hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thứ hai là cải cách tổ chức, bộ máy, con người.
“Với các nghị định, thông tư, Thủ tướng đã có chỉ đạo cắt giảm tuyệt đối các thủ tục, hướng tới nhiều bộ thủ tục liên quan một dự án sẽ tích hợp trong một bộ thủ tục. Lúc đó có thể giảm hàng trăm % thủ tục,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu.
Các văn bản pháp luật phải rõ ràng, cụ thể trách nhiệm
Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã rất quyết liệt, có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Tính riêng Chính phủ, theo báo cáo đã ban hành 45 nghị quyết, riêng Thủ tướng có 35 chỉ thị, trong điều hành kinh tế xã hội năm 2023. Đại biểu cho rằng đây là quyết tâm rất lớn và rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên đại biểu Phan Đức Hiếu băn khoăn về việc tổ chức, thực thi kịp thời các giải pháp đã đề ra có thách thức nào hay không? Nếu có, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thời gian tới Chính phủ có những giải pháp nào để thực thi kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra?
Hồi đáp đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hiện nay đã có nhiều giải pháp được đề ra. Liên quan đến thể chế, Chính phủ sẽ sớm đưa các văn bản pháp lý liên quan.
Giải pháp thứ hai liên quan đến tổ chức thực hiện về thể chế, trách nhiệm cụ thể khi gắn với các chủ thể trong quản lý. Giải pháp thứ ba liên quan đến chống đùn đẩy, tức là các văn bản pháp luật phải rõ ràng, cụ thể trách nhiệm.
Với thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, Phó Thủ tướng cho rằng, các vướng mắc hiện nay của người dân và doanh nghiệp sẽ được giải quyết. Đặc biệt nhiều trình tự, thủ tục Chính phủ đang xem xét cắt giảm.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường phân cấp cho các chính quyền địa phương để trực tiếp tổ chức thực hiện; làm rõ vai trò giám sát của Trung ương và địa phương.