Đại biểu Quốc hội tiếp tục 'truy' Bộ trưởng Bộ Công thương về các dự án điện
Một loạt câu hỏi, chất vấn liên quan đến các dự án nhà máy điện được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên chất vấn sáng 7-11.
Nhiều dự án điện chậm tiến độ
Sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục được các đại biểu chất vấn liên tục về các dự án nhà máy điện chậm triển khai trên cả nước. Đại biểu Nguyễn Huy Thái đoàn Bạc Liêu nêu vấn đề Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước, song đến nay vẫn chưa được triển khai.
Trả lời ông Thái, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu dự kiến được đưa vào vận hành năm 2029. Đây là dự án điện dự phòng cho cả nước. Sau hai lần điều chỉnh, dự án được đưa ra rồi lại đưa quy hoạch điện.
Ông Trần Tuấn Anh khẳng định đã có các văn bản báo cáo Chính phủ, gửi văn bản tới các bộ liên quan để lấy ý kiến bổ sung. Dự án dự kiến "được triển khai trong thời gian tới".
Cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chưa nêu rõ được thời điểm triển khai dự án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: "Bộ trưởng cho Quốc hội biết bao giờ giải quyết, hiện rất chậm rồi. Tới 18 tháng và các thủ tục đầu tư, ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đủ. Đây là dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sau đó cho biết Bộ Công thương mong muốn sớm có quyết định triển khai dự án vì thực tế đang thiếu điện, rất cần các trung tâm điện như Bạc Liêu. "Tôi cũng cũng không thể nói là thời điểm nào sẽ bắt đầu vì cái này đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến và sau đó đó sẽ triển khai theo đúng quy định. Hy vọng sẽ sớm được thực hiện việc này vào đầu năm 2020", ông Tuấn Anh nêu.
Liên quan đến câu hỏi về nhà máy điện Long Phú ở Sóc Trăng, ông Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đã tính đến phương án thay nhà thầu. Dự án này do tổng thầu Nga đảm trách, tiến độ đạt hơn 77%, song năng lực của tổng thầu có khả năng không đáp ứng được yêu cầu do họ vướng các lệnh trừng phạt của Mỹ. "Việc giải quyết cần sự phối hợp của hai Chính phủ (Việt Nam và Nga - PV), và đến nay đang tiếp tục tìm kiếm giải pháp", ông Trần Tuấn Anh nói.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, trong trách nhiệm của mình, Bộ đã thực hiện đôn đốc, cùng các đơn vị, bộ, ngành khác thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp và làm việc với phía Nga để tiếp tục giải quyết vướng mắc.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình về các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ, ông Trần Tuấn Anh nói, ngoài số đã được phê duyệt với công suất lên đến gần 5.000 MW thì còn 260 dự án điện mặt trời đang chờ. Ngoài ra còn 150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt; 8 dự án điện khí đang nghiên cứu, dự kiến trình Chính phủ thời gian tới.
Điện cả nước thiếu nhưng điện mặt trời lại thừa
Tại phiên chất vấn chiều 6-11, ông Trần Tuấn Anh thừa nhận Bộ Công thương đã không lường hết khả năng phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn đến việc "vỡ quy hoạch" điện mặt trời và hệ lụy của nó là sự quá tải của hệ thống truyền tải điện và việc các nhà máy điện mặt trời hiện chỉ chạy ở mức 30-40% công suất.
Ông Tuấn Anh cho biết, tới đây, Bộ Công thương sẽ tính toán tham mưu sửa Luật Đầu tư để cho phép tư nhân tham gia xây dựng, đa dạng nguồn đầu tư trong lĩnh vực truyền tải, từ đó "khơi thông" khả năng giải tỏa công suất điện mặt trời, khắc phục tình trạng điện thiếu nhưng các nhà máy điện mặt trời không được chạy hết công suất. Sáng 7-11, ông Tuấn Anh cho biết có thể giải tỏa công suất điện mặt trời trong năm 2020.
Tranh luận về vấn đề này, bà Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho rằng, Bộ trưởng Công Thương cần cân nhắc tính khả thi khi nói năm 2020 sẽ giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời.
Bà Mai dẫn 4 lý do, trong đó thứ nhất là thời gian có một năm là rất ít. "Tới giờ mới giải tỏa được 30%, nghĩa là còn 70% công suất nữa, mà Bộ trưởng nói hy vọng trong một năm giải tỏa hết công suất. Tôi nghĩ khi đưa ra một thông điệp cần đảm bảo tính chắc chắn", bà nói.
Tiếp đó, bà Mai cho rằng các cơ chế chính sách chưa rõ ràng, chưa kể quy trình đầu tư mất thời gian; nguồn lực đầu tư chưa rõ ràng và số lượng dự án còn khá lớn. Hơn nữa, đề xuất cho tư nhân xây đường dây truyền tải điện cũng cần cân nhắc vì không phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực.
Cũng liên quan đến ý kiến đại biểu về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2019 và 2020. Thậm chí tới những năm 2022, nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như ở Tây Nam bộ là rất lớn.
Để đảm bảo yêu cầu điện cho nền kinh tế, Bộ trưởng Công thương cho biết thời gian tới đây huy động tối đa các nguồn, kể cả từ than, điện khí, cũng như các nguồn điện khác có liên quan, trong đó có thủy điện.
"Thủ tướng và Phó thủ tướng cũng đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế mới về giá điện, cũng như phát triển điện tái tạo để đảm bảo có sự bổ sung của điện mặt trời và điện gió. Mặt khác, chúng ta cũng đang tiếp tục có kế hoạch cụ thể để giao trách nhiệm cho PVN phải đàm phán và sớm có kế hoạch mua khí từ Malaysia và các nước trong khu vực vịnh Thái Lan để đảm bảo cung ứng điện không chỉ cho miền Tây mà cho các nhà máy điện ở Đông Nam Bộ", Bộ trưởng Công thương thông tin thêm.