Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, sáng 05/6, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân nêu nội dung câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn, bà Hồ Thị Kim Ngân chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Song, năm vừa rồi, sức khỏe của doanh nghiệp “suy giảm” khá nghiêm trọng, doanh thu giảm, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra, đối mặt với hai nút thắt lớn về vốn và chi phí. Trong khi đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, nhất là các nhà sản xuất FDI ở Việt Nam thì đã bị các doanh nghiệp cùng ngành của nước ngoài vượt mặt để chiếm thị phần ngay trên sân nhà.

Theo đại biểu, nội dung này chưa được phân tích kỹ lưỡng, chưa cung cấp số liệu trong báo cáo. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều có kinh nghiệm, đạt được tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cũng như về môi trường, trong khi doanh nghiệp ở trong nước mặc dù có cơ chế nhưng chưa thể tiếp cận được những tiêu chuẩn như trên.

Để nâng cao năng lực cho công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp ở trong nước phát triển thì cần rà soát lại hệ thống pháp luật để khi những chính sách được ban hành phải đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng cũng cần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để các doanh nghiệp FDI phải có sự ràng buộc, hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước nhằm từng bước nội địa hóa sản phẩm ở trong nước.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, đã có 40 lượt đại biểu chất vấn, tranh luận và có sự tham gia trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, công thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, hoạt động công thương có nhiều đổi mới, tuy nhiên cũng còn những vấn đề cần được tiếp tục tăng cường công tác quản lý, tham mưu cho Chính phủ trong thực hiện.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các bộ có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng luật công nghiệp trọng điểm, chương trình công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển công nghiệp thông minh…/.

Triệu Tuyên (VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-bac-kan-chat-van-bo-truong-bo-cong-thuong-post63848.html