ĐBQH Trần Quốc Tuấn: Cần chính sách ưu tiên đặc biệt cho người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, thay vì chỉ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp

Người dân có nhu cầu thực về 'nhà ở xã hội' thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp. Công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, có nơi phải trả mức giá thuê cao, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị. Nhưng Dự thảo lại thiếu chính sách ưu tiên đặc biệt cho người dân mua nhà ở xã hội - là những người thụ hưởng trực tiếp, và cũng là lực kéo quan trọng nhất cho thị trường nhà ở xã hội hiện nay, thay vì chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận sáng ngày 24/5. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận sáng ngày 24/5. Ảnh: media.quochoi.vn

Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/5 Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể tại Hội trường với 03 nội dung:

(1) Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật; Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Dẫn độ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật;

(2) Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu;

(3) Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điếm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triến nhà ở xã hội. Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.

Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nội dung quan trọng đối với Nghị quyết của Quốc hội về thí điếm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triến nhà ở xã hội.

Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, đặc biệt tại các đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất hạn chế, thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư, và hơn hết là người dân nhu cầu thực thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp. Công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, có nơi phải trả mức giá thuê cao, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị.

Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đề xuất nhiều nội dung mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ như: giao đất không qua đấu thầu, rút gọn thủ tục đầu tư, hình thành Quỹ Nhà ở quốc gia như trong dự thảo nghị quyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả thực thi, ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng Dự thảo vẫn còn thiếu một mảnh ghép cốt lõi, đó là chính sách ưu tiên đặc biệt cho người dân mua nhà ở xã hội, là những người thụ hưởng trực tiếp, và cũng là lực kéo quan trọng nhất cho thị trường nhà ở xã hội hiện nay.

Để sản phẩm nhà ở xã hội thực sự đến tận tay những người có thu nhập thấp, những công nhân lao động, giúp họ an cư lập nghiệp, qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện nay có 04 điểm nghẽn lớn nhất cần được tháo gỡ:

Thứ nhất, Người dân có nhu cầu thật thì lại khó tiếp cận được vốn vay, và khi tiếp cận được vốn vay, thì gánh nặng tài chính khá lớn. Điển hình như, khi người mua nhà ở xã hội vay được 500 triệu đồng, với lãi suất 4,8%/năm trong vòng 25 năm, thì hằng tháng họ phải trả gần 3,7 triệu. Trong đó, tiền lãi chiếm hết 2 triệu đồng, chỉ còn lại 1,7 triệu đồng là tiền trả nợ gốc. Nếu người công nhân có mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng thì họ chỉ còn lại 4,3 triệu để xoay sở cho cả gia đình, lo cho con em đi học là rất khó khăn, nên họ thường chọn phương án thuê nhà trọ để ở thay vì mua nhà ở xã hội.

Thứ hai, nguồn cung nhà ở xã hội vẫn lệ thuộc vào các nhà đầu tư, nhưng doanh nghiệp lại e ngại vì thị trường đầu ra thiếu ổn định.

Thứ ba, Quy hoạch và quỹ đất chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn quá rườm rà, phức tạp để các nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội.

Thứ tư, các chính sách dã ban hành, chỉ thiên về hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, ít quan tâm đến khả năng mua nhà ở xã hội của người dân.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận.

Từ 04 bất cập nêu trên, ĐBQH Trần Quốc Tuấn kiến nghị cần bổ sung vào nghị quyết, nhóm chính sách ưu tiên, có thể gọi là “Gói chính sách kép” để hỗ trợ cho những người thật sự có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Cụ thể như :

Cho vay ưu đãi dài hạn từ Quỹ Nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời cấp bù lãi suất hoặc trợ giá thuê nhà; cùng với đó là đơn giản hóa điều kiện vay, không bắt buộc phải có thu nhập ổn định, có thể dùng căn hộ đó làm tài sản đảm bảo”; người mua nhà ở xã hội được hưởng chính sách trả góp không lãi suất, nội dung này sẽ do Chính phủ quy định.

Có thể triển khai thí điểm chính sách này tại các địa phương có nhu cầu cao, các tỉnh, thành phố lớn có đông lực lượng công nhân lao động. Cụ thể như: Người mua nhà ở xã hội được trả trước 10 - 30% giá trị căn hộ, phần còn lại được trả góp trong 10 - 15 năm, không tính lãi trong 03 - 05 năm đầu. Sau thời gian ưu đãi, áp dụng lãi suất thấp theo quy định; người mua được sử dụng căn hộ làm tài sản đảm bảo cam kết không chuyển nhượng trong 05 năm. Nguồn vốn để thực hiện chính sách này từ Quỹ Nhà ở quốc gia, qua Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các định chế tài chính được chỉ định.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, khi nhóm chính sách này được triển khai, không chỉ hỗ trợ người dân, mà còn tạo đầu ra ổn định cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nguồn cung và tạo nên một thị trường nhà ở xã hội thực sự năng động, lành mạnh.

Song song đó, cần có giải pháp hoàn thiện và vận hành hiệu quả Quỹ Nhà ở quốc gia như: Phân bổ ít nhất 50% nguồn Quỹ cho hỗ trợ trực tiếp người dân mua nhà như phần hỗ trợ lãi suất được kiến nghị nêu trên; thiết lập Hội đồng quản lý độc lập, có đại diện Nhà nước, công đoàn, chuyên gia và đại diện người dân; có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán, báo cáo kịp thời để tránh bị trục lợi chính sách.

Muốn phát triển thị trường nhà ở xã hội bền vững, không thể chỉ “kích cung”, mà phải kích cầu bằng chính sách thiết thực, nhân văn và khả thi dành cho người dân. Bởi lẽ, họ không chỉ là đối tượng được phục vụ, mà còn là người tạo nên thị trường, tạo nên niềm tin, động lực cho cả hệ thống. Do vậy, rất cần bổ sung nhóm chính sách hỗ trợ người mua nhà, nhất là chính sách trả góp không lãi suất, như là một đòn bẩy chiến lược để hoàn thành mục tiêu phát triển ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, theo đúng tinh thần Chính phủ đã cam kết - ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/3/dbqh-tran-quoc-tuan-can-chinh-sach-uu-tien-dac-biet-cho-nguoi-co-thu-nhap-thap-mua-nha-o-xa-hoi-thay-vi-chi-co-chinh-sach-ho-tro-cho-doanh-nghiep-46303.html