Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Sáng 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Sau khi Quốc hội thảo luận góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tham gia thảo luận tại hội trường, góp ý một số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An bày tỏ sự tán thành với hồ sơ Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án luật của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để trình và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với một số nội dung của dự thảo luật, góp ý một số nội dung cụ thể và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm một số nội dung. Về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, đại biểu đề nghị nghiên cứu, thiết kế lại quy định tại khoản 1, Điều 2 để bảo đảm bao quát, toàn diện, phù hợp với trường hợp “trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương”, tương ứng với các nghị quyết về thí điểm như Nghị quyết số 136/2024/QH15, ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 2 đại biểu góp ý chỉ cần quy định “2. Quốc hội quy định tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” là bảo đảm đầy đủ, rõ nghĩa, bao quát.

Bày tỏ quan tâm quy định về UBND tại Điều 6 của dự thảo luật, đại biểu cho rằng dự thảo luật đã kế thừa các quy định về tổ chức chính quyền địa phương trước đây, UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, được tổ chức gồm 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Tuy nhiên, dự thảo luật chỉ quy định đối với UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện thành lập các cơ quan chuyên môn là các sở, các phòng để thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định, chưa có quy định về chức danh công chức tham mưu UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương.

Để bảo đảm tính thống nhất, khoa học về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp, phù hợp với định hướng về xây dựng nền công vụ thống nhất, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định tại khoản 3, Điều 6 dự thảo luật nội dung “công chức chuyên môn thuộc UBND cấp xã thực hiện tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan nhà nước cấp trên”. Đồng thời, quy định giao Chính phủ quy định số lượng công chức UBND cấp xã tại khoản 4, Điều 6 dự thảo luật.

Góp ý đối với nội dung quy định về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại khoản 3, Điều 11 dự thảo luật, đại biểu cho rằng quy định đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định như vậy còn cứng nhắc, chưa bảo đảm linh hoạt. Đề nghị dự thảo luật không nên quy định cứng hình thức “phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình” mà nên quy định theo hướng trao cho chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tế của đơn vị hành chính để quyết định lựa chọn 1 trong 3 hoặc có thể nhiều hơn một hình thức theo quy định tại Điều 17 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024), tránh xung đột pháp luật do những quy định khác nhau.

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2/2025 Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Lường Văn Minh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-doan-thi-le-an-phat-bieu-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-3175491.html