Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

– Chiều 9/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thảo luận tại Tổ 13 với đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành thảo luận tổ.

ĐBQH thảo luận tại tổ 13 về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

ĐBQH thảo luận tại tổ 13 về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Kết cấu của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) gồm 154 điều được bố cục thành 9 chương, trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều.

Thảo luận tại tổ 13, cơ bản đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, để bảo đảm dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính khả thi và nguồn lực thực hiện một số quy định, nhất là nội dung mới, chính sách mới được quy định trong dự thảo luật để bảo đảm thi hành.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 2 đại biểu gồm: Phạm Trọng Nghĩa và Chu Thị Hồng Thái phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo luật này. Theo đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa góp ý vào Điều 3 về quyền tư pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của tòa án; việc bổ sung 2 thẩm quyền mới cho tòa án gồm: giải quyết xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định của luật và giải thích áp dụng luật trong thực tiễn. Về hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia, đại biểu đề nghị làm rõ việc hình thành hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia. Đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào đổi mới tòa án cấp tỉnh, cấp huyện; thời hạn nhiệm kỳ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của thẩm phán; ngạch bậc của thẩm phán cần xem xét kỹ để bảo đảm hợp với quy định của bậc, ngạch các cán bộ công chức ở những đơn vị khác…

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Phát biểu ý kiến vào đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử tại khoản 1, Điều 4, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tính độc lập trong công tác xét xử của cấp tỉnh, cấp huyện; việc đổi tên gọi theo thẩm quyền xét xử cũng chưa tăng được tính chất độc lập mà còn làm phức tạp hơn trong cách hiểu về thẩm quyền xét xử của cấp tỉnh, cấp huyện; cần xác định rõ và hướng dẫn cụ thể đối tượng yếu thế trong xã hội để tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế; đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ. Về tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt theo Điều 62,63 của dự thảo luật, đại biểu nhất trí chủ trương thành lập các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết xét xử theo thủ tục sơ thẩm đối với một số vụ, việc đặc thù có yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao, tuy nhiên cần quy định cụ thể việc gì là giải thể, phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ và loại hình của tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt do Quốc hội quy định trên cơ sở đề nghị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao bởi lẽ đây là cấp tòa án trong hệ thống tòa án khác với tòa chuyên trách có phạm vi thẩm quyền được điều chỉnh bởi các luật tố tụng nên việc thành lập, giải thể, phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ và theo loại việc của tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải được quy định bằng Nghị quyết của Quốc hội.

Về điều kiện xét nâng bậc thẩm phán theo Điều 92 dự thảo luật đã bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc thẩm phán theo hướng chặt chẽ hơn, tuy nhiên cũng cần cân nhắc thể hiện rõ hơn trong luật tiêu chí phân biệt giữ các bậc thẩm phán, đồng thời khi quy định số lượng vụ việc tham gia giải quyết thì cần cân nhắc đến các yếu tố như: công việc kiêm nhiệm, địa phương có ít án…

Theo chương trình, ngày 10/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; thảo luận ở tổ về các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.

THANH HUYỀN -VP.ĐOÀN ĐBQH&HĐND TỈNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv/623087-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-gop-y-kien-vao-du-thao-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-sua-doi.html