Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Ngày 28/11, cùng với biểu quyết thông qua các nghị quyết, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các dự thảo luật. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã tham gia góp ý về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại phiên họp sáng 28/11.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết tại phiên họp sáng 28/11.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Sau hơn 6 năm áp dụng, Luật ĐGTS đã góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐGTS, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Hoạt động ĐGTS từng bước chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về ĐGTS từng bước được nâng cao. Tuy nhiên theo đại biểu, thực tiễn thực hiện Luật ĐGTS cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như tờ trình của Chính phủ đã nêu.

Do đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS năm 2016 là cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ĐGTS.

Qua nghiên cứu dự thảo và từ thực tiễn theo dõi công tác ĐGTS, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cơ bản nhất trí với nội dung, bố cục của dự thảo của luật, đồng thời tham gia một số ý kiến, gồm:

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS.

Đối với quy định về thời gian làm việc trong ngày để thực hiện các trình tự, thủ tục trong đấu giá, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời gian làm việc trong ngày để tính cuộc đấu giá như sau: “Ngày làm việc để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quy định tại luật này là các ngày từ thứ hai đến thứ sáu, trừ ngày nghỉ lễ, tết theo quy định. Thời gian làm việc trong ngày để tính thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá do người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận và quy định trong Quy chế cuộc đấu giá, nhưng phải bảo đảm tối thiểu 6 tiếng”.

Nêu các ví dụ liên quan, đại biểu Nguyễn Minh Tâm khẳng định, quy định như trên nhằm tránh sự tùy tiện trong việc xác định thời hạn cuối cùng trong ngày khi thực hiện các trình tự, thủ tục trong ĐGTS, bảo đảm quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá, tránh phát sinh việc khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc tổ chức đấu giá.

Nhấn mạnh các quy định của Luật ĐGTS hiện nay đang “bỏ trống” các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS, đại biểu nêu rõ, quá trình tổ chức thi hành, có ý kiến cho rằng tổ chức ĐGTS được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự. Do đó, tại khoản 3, Điều 1 dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 9 của luật) đại biểu đề nghị cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS, như: Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá. Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận. Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc ĐGTS hoặc thực hiện việc ĐGTS không đúng quy định.

Đồng thời ý kiến cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 4, Điều 9 Luật ĐGTS như sau: “Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức hành nghề ĐGTS, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả ĐGTS; kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS”. Theo đại biểu, Luật ĐGTS hiện hành mới chỉ quy định cấm việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích để nhằm mục đích làm sai lệch kết quả đấu giá; chưa có quy định cấm đối với hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích nhằm mục đích làm sai lệch kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS, vấn đề này trên thực tế đã xảy ra.

Để không phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo giữa các luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đã nêu những ví dụ và trích dẫn các nội dung cụ thể một số điều, khoản tại Luật ĐGTS hiện hành, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, Luật Giá… và đề nghị thay thế, sửa đổi, bổ sung các cụm từ của luật và dự thảo luật.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/thoi-su/202311/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-gop-y-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-dau-gia-tai-san-2214030/