Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tham gia thảo luận về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng
Hôm nay 7/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức Mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, có thể thấy rằng Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt khẳng định việc thực hiện mô hình tổ chức một cấp chính quyền đô thị tại thành phố theo chủ trương của Đảng từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa X và các nghị quyết khác là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm của đô thị.
Qua đó, bộ máy hành chính nhà nước từ thành phố xuống quận, đến phường hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt; phân cấp, ủy quyền từ chính quyền thành phố cho chính quyền quận, phường được đẩy mạnh; giảm khâu trung gian, rút ngắn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình đô thị còn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá, tạo thêm động lực và sức lan tỏa cho Đà Nẵng tiếp tục phát triển.
Tại phiên thảo luận, ĐQBH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tán thành việc ban hành nghị quyết này và tham gia một số ý kiến đối với dự thảo nghị quyết, cụ thể:
Thứ nhất, về phân quyền, phân cấp, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trong dự thảo nghị quyết đã thể hiện nhiều lĩnh vực trong hoạt động quản lý của TP. Đà Nẵng đã được phân quyền, phân cấp mạnh. Tuy nhiên, có một vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ, đó là vấn đề quản lý biên chế.
Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14, trong đó đã có một bước rất tiến bộ dù chưa sửa Luật Cán bộ, công chức (CBCC) đó là không phân biệt CBCC ở xã, phường với cấp huyện, cấp tỉnh; CBCC làm việc ở phường, xã thuộc biên chế của cấp huyện hay nói chính xác là CBCC làm việc ở phường, xã không còn gọi là “CBCC cấp xã” nữa, mà được xác định rõ ràng là CBCC và thuộc tổng biên chế CBCC của Đà Nẵng.
Đại biểu cho rằng dự thảo nghị quyết chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế CBCC làm việc ở phường, xã tại Đà Nẵng cho HĐND TP. Đà Nẵng quyết định là chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp cho Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế CBCC của thành phố thì có thể gọi là “phân cấp nửa vời”.
Trong xu thế chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với chính quyền địa phương, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, nên mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý biên chế và đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc lại vấn đề này. Biên chế CBCC ở TP. Đà Nẵng theo dự thảo nghị quyết này là một khối thống nhất từ thành phố tới quận, phường nên đề nghị Quốc hội phân quyền quyết định biên chế CBCC cho Đà Nẵng; có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của trung ương.
Thứ hai, về xây dựng đội ngũ CBCC, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo nghị quyết lần này đã đưa ra 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, đặc biệt trong đó cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược gắn với đào tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch,... đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, để thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy thì không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình lại chưa đề cập các giải pháp và trách nhiệm thực hiện. Nghị quyết đề xuất thành phố quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng của thành phố. Tuy nhiên, chưa đề cập đến chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với các nhà khoa học, các chuyên gia, người có tài năng.
Từ đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị bổ sung thêm 3 chính sách, gồm: cơ chế, chính sách xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài; các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, về vấn đề quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, đại biểu đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản để thực hiện Dự án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu , bến cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics cho các nhà đầu tư nhà thầu thi công dự án.
Đại biểu đề nghị giao UBND thành phố được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn để phục vụ thi công Dự án Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu, bến cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản phù hợp với nội dung quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 về thi hành Luật Khoáng sản.
Về thủ tục cấp phép khai thác, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng Liên Chiểu, bến cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics để đảm bảo cung cấp vật liệu tại chỗ; chỉ lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Nghị định 158/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.