Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 4/11/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tham gia phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chất vấn hai vấn đề:
(1) Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Với trách nhiệm được giao là chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát triển hạ tầng số, hạ tầng Internet, bảo đảm triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết khả năng đáp ứng yêu cầu của ngành đối việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Đề án, nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong bối cảnh có nhiều vùng lõm về sóng và thiết bị máy tính cho giáo viên và học sinh ở vùng miền núi còn rất thiếu thốn như hiện nay.
(2) Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để giải quyết dứt điểm tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại vẫn diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ gây phiền hà cho người dân.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đinh Công Sỹ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định hạ tầng viễn thông, internet và các công nghệ thông tin để cho bà con vùng sâu vùng xa có thể sử dụng điện thoại di động, theo dõi tin tức, học tập qua các nền tảng này đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hiện nay, cáp quang đã được đưa đến 93% các thôn bản. Việt Nam là một trong số ít các nước có tỷ lệ phủ sóng internet đến cấp thôn, bản cao như vậy và giá cả dịch vụ viễn thông, internet ở nước ta cũng nằm trong “top 20” thế giới. Về khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp trong nước trong việc phát triển các nền tảng số để phục vụ cho ngành giáo dục, Bộ trưởng khẳng định, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể đáp ứng tốt, với giá rẻ hơn so với nước ngoài.
Dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân, điều này được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin. Mỗi người dân phải bảo vệ tài sản của cá nhân mình, tuy nhiên vừa qua việc này còn dễ dãi dẫn đến việc lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, khi cung cấp thông tin cá nhân mà không kiểm soát, giám sát việc sử dụng thông tin cá nhân của các đơn vị, tổ chức, đơn vị thu thập. Việc xử lý vi phạm của các đơn vị, tổ chức, đơn vị thu thập thông tin cá nhân còn chưa phù hợp, mặc dù đã tăng gấp 2 lần đối với doanh nghiệp, tuy nhiên đây là mức thấp so với thế giới, cần phải có sửa đổi. Trong năm 2022 đã tiến hành thanh tra các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong việc thu thập nhiều dữ liệu, thông tin cá nhân; năm 2023 tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp bưu chính và mạng xã hội. Đồng thời, Bộ Công an đang xây dựng nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tiến tới ban hành luật về lĩnh vực này.
Bộ trưởng cho biết, năm 2022 đã có 11 Đoàn liên ngành đi kiểm tra về dữ liệu cá nhân và đã chuyển hai vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng lấy năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam, để nâng cao nhận thức, làm tốt công việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Lấy hẳn 1 năm là năm dữ liệu số Việt Nam.