Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 23/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Nguyên và tiếp xúc cử tri chuyên đề với cử tri ngành giáo dục và đào tạo.

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Tại thành phố Thái Nguyên, đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc với cử tri của 32 xã, phường thuộc thành phố Thái Nguyên theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Cùng dự có đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại Hội nghị, cử tri thành phố Thái Nguyên đã đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị để gửi tới Đoàn ĐBQH như: đề xuất bổ sung danh mục hỗ trợ và nâng mức hỗ trợ cho việc khôi phục các vườn hoa đào tại Làng nghề hoa Đào Cam Giá sau thiệt hại do bão lũ. Về lĩnh vực giáo dục, cử tri đề nghị Quốc hội có ý kiến với Chính phủ về việc xem xét chuyển hợp đồng lao động theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP sau 36 tháng sang hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri

Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền đã được đại biểu Quốc hội, lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi, làm rõ thêm tại Hội nghị; đồng thời tiếp thu những ý kiến còn lại để gửi đến Kỳ họp tới xem xét, giải quyết theo quy định.

Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp xúc với cử tri

Đại biểu Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp xúc với cử tri

Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên, các đại biểu Quốc hội: Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lý Văn Huấn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp xúc với 265 cử tri đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Dự Hội nghị tiếp xúc cử tri còn có các đồng chí: Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thúy Nga, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Tại Hội nghị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông tin tới các cử tri về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30/11/2024 với tổng số 29 ngày làm việc và tiến hành theo 02 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024). Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 30 nội dung về công tác lập pháp, 15 nhóm nội dung về xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền; đồng thời, có nhiều nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Đây cũng là kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.

Tại Hội nghị, cử tri ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự vui mừng khi Luật Nhà giáo được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới và khẳng định, việc xây dựng Luật Nhà giáo mở ra cơ hội cho ngành giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc nhà giáo với những chính sách, chế độ xứng đáng để các nhà giáo yên tâm cống hiến, gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Cử tri cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo như: Làm rõ khái niệm “cán bộ quản lý cơ sở giáo dục”; khái niệm “nhà giáo” cần bao quát được hết các đối tượng và không mâu thuẫn với các quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; sửa đổi, bổ sung quy định về chức danh nhà giáo…

Cử tri cũng gửi các đại biểu Quốc hội tỉnh một số kiến nghị như: Cho phép cán bộ quản lý và giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 55; tăng mức phụ cấp nghề nghiệp cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; ban hành quy định về định mức biên chế giáo viên đối với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; đề nghị có quy định phụ cấp cho đội ngũ nhân viên trường học…

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=89432