Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật
Sáng 12/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Sau phiên khai mạc, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
![Các đại biểu tham dự phiên họp tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_442_51459510/c9704d537a1d9343ca0c.jpg)
Các đại biểu tham dự phiên họp tổ.
Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hưng Yên, Quảng Bình và Bắc Kạn.
Tham gia thảo luận tại Tổ, về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh.
![Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận tại Tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_442_51459510/af4d226e1520fc7ea531.jpg)
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu thảo luận tại Tổ.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội. Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Đồng thời nhấn mạnh:Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nhằm thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Góp ý về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát lại khoản 5; khỏan 7 của Điều 40 dự thảo Luật, bảo đảm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng chính sách, nhất là đối với các dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (quy phạm hóa chính sách); chính sách phải cụ thể, rõ ràng, đánh giá tác động phải thực chất; Chính phủ, cơ quan trình dự án quyết định chính sách làm cơ sở cho việc soạn thảo, Quốc hội quyết định dự thảo luật.
![Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_442_51459510/c05a4b797c379569cc26.jpg)
Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ.
Cùng tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bìnhtán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Góp ý cụ thể về khoản 2, Điều 67, về việc xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn: “Đối với dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…, Đảng ủy Quốc hội có trách nhiệm xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc trình Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nên cân nhắc quy định theo hướng để tổ chức đảng của cơ quan trình có trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề lớn của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Buổi chiều, Quốc hội nghe các báo cáo, tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.