Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý dự án Luật Phòng không nhân dân và dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Chiều 19-6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và dự án Luật Phòng không nhân dân. ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã góp nhiều ý kiến cho 2 dự án Luật nêu trên.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Phòng không nhân dân là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Trên cơ sở 5 chính sách đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng có bố cục gồm 8 chương, 54 điều, cụ thể: Chương I - Quy định chung; Chương II - Xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; Chương III - Hoạt động phòng không nhân dân; Chương IV - Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; Chương V - Quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; Chương VI - Nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân...

Dự thảo Luật quy định về xây dựng, huy động lực lượng; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các đại biểu cũng góp thêm ý kiến để hoàn chỉnh dự án luật này. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để đảm bảo sự thống nhất và chặt chẽ trong chức năng, nhiệm vụ của lực lượng phòng không nhân dân với lực lượng Dân quân tự vệ. Bên cạnh đó, ở khoản 3 Điều 11 quy định về lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân quy định lực lượng phòng không nhân dân huy động nguồn nhân lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân kiêm nhiệm thực hiện, được tổ chức thành tổ hoặc đội phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả, đảm bảo phòng không nhân dân, đại biểu cho rằng để đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành đề nghị ngay trong các cái quy định của luật cần làm rõ các tiêu chí về quy mô, địa bàn hoạt động và điều kiện, để cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thành lập các tổ, đội phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả, đảm bảo phòng không nhân dân, tránh tình trạng thành lập một cách tràn lan và không có hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Ở Điều 14 về độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân huy động ở khoản 1 điều này quy định là công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi và công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi. Nếu tình nguyện tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và đến hết 45 tuổi đối với nữ. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng nếu dự án Luật này được thông qua và có hiệu lực vào năm 2026 thì tính tới thời điểm này thì tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động của nam giới là 61 tuổi 6 tháng và đối với nữ giới là 57 tuổi. Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo bổ sung những lý do và căn cứ vào đâu để đưa ra quy định lựa chọn độ tuổi từ 18 tuổi cho đến 45 tuổi đối với công dân nam và từ 18 tuổi đến 40 tuổi đối với công dân nữ. Dự thảo Luật nên quy định độ tuổi theo hướng mở để huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào lực lượng phòng không nhân dân. Cụ thể: Đối với lực lượng phòng không nhân dân nòng cốt, khống chế độ tuổi như dự thảo Luật hiện nay là phù hợp; còn đối với lực lượng phòng không nhân dân huy động thì không nên giới hạn độ tuổi để huy động càng nhiều người tham gia vào lực lượng này càng tốt.

Ở khoản 5, Điều 7 quy định là cấm phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng trong xây dựng, huy động thực hiện nhiệm vụ về phòng không nhân dân cho thấy Ban soạn thảo có quan tâm đảm bảo về bình đẳng giới. Tuy nhiên, để đảm bảo bao quát, đề nghị nên nghiên cứu bổ sung đưa vào Điều 3 thêm một quy định phải đảm bảo thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong các hoạt động về phòng không nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Cũng góp ý hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, có ý kiến, tại Chương IV - Quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không, đại biểu cho rằng hiện nay quay flycam rất phổ biến, cần phải đánh giá rộng hơn vấn đề ứng dụng những phương tiện này để có quy định cho phù hợp. Tại Điều 28 quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đề nghị quy định cụ thể hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, các tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý; đồng thời, đề nghị nghiên cứu phân loại theo mục đích sử dụng gồm 2 nhóm: (1) Tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ sử dụng cho mục đích dân dụng; (2) Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh; hoặc phân loại theo chủ thể quản lý gồm 3 nhóm: (1) Bộ Quốc phòng; (2) Bộ Công an; (3) Bộ, ngành quản lý theo chức năng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu rà soát các quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các luật khác liên quan để quy định thống nhất, khả thi.

Ngoài ra, các ĐBQH tỉnh Tiền giang cũng có ý kiến góp ý đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH; luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động CNCH. Đồng thời, việc ban hành Luật nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tình hình mới. Đồng thời, góp thêm một số ý kiến để hoàn chỉnh dự án Luật liên quan đến chính sách của Nhà nước về PCCC, CNCH; vấn đề tổ chức thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu về PCCC; về đảm bảo điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH…

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202406/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-gop-y-du-an-luat-phong-khong-nhan-dan-va-du-an-luat-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-1013520/