Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Sáng 15/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
![Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh thảo luận tại hội trường. Ảnh TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_589_51485479/8be36e7e5d30b46eed21.jpg)
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh thảo luận tại hội trường. Ảnh TTXVN
Tham gia phiên họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc có 6 đại biểu do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn.
Theo nhận định của các đại biểu Quốc hội, hầu hết các nội dung của dự thảo luật đã thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Các nội dung trong dự thảo luật đã cơ bản tạo được hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, giúp khơi thông nguồn lực, tạo ra các động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển đất nước. Tuy vậy, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nhiều vấn đề để thuận lợi khi triển khai thực hiện sau khi luật được ban hành.
Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Mạnh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, tại Khoản 4, Điều 29 về nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Thường trực HĐND cần bổ sung trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bị xử lý kỷ luật và thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Thường trực HĐND cùng cấp giao Phó Chủ tịch HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND cho đến khi bầu được Chủ tịch HĐND mới.
Trong trường hợp khuyết Phó Chủ tịch HĐND thì Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (đối với HĐND cấp tỉnh) và Thường trực HĐND cấp tỉnh (đối với HĐND cấp huyện) chỉ định người điều hành HĐND trong số đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND cho đến khi bầu được Chủ tịch HĐND mới.
Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, xã chuyển công tác và phải thực hiện quy trình miễn nhiệm, đồng thời, bầu Chủ tịch HĐND mới thì thực hiện quy trình như việc miễn nhiệm, bãi nhiệm khi Chủ tịch HĐND bị xử lý kỷ luật.
Điều 33 về bầu các chức danh của HĐND và UBND, tại khoản 3 quy định về việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND. Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định rõ việc bầu Chủ tịch UBND tại phiên thứ nhất có phải là đại biểu HĐND hay không. Trong luật hiện hành quy định tại phiên thứ nhất bầu Chủ tịch UBND phải là đại biểu HĐND, việc bầu Chủ tịch UBND lần sau không nhất thiết là đại biểu HĐND. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, nếu quy định như dự thảo để bảo đảm tính mở thì nên quy định rõ để thực hiện thống nhất trong cả nước.