Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Hướng tuyến ngắn nhất, thẳng nhất
Giải trình tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, chiều 15/02, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết, dự án đã được nghiên cứu và lựa chọn hướng tuyến theo nguyên tắc tuyến ngắn nhất, thẳng nhất; giảm các công trình trên tuyến; giảm các khối lượng trên tuyến; cân đối được khối lượng đào, đắp…

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh giải trình, tiếp thu tại phiên họp. (Ảnh: Quốc hội)
Các công trình trên tuyến được thiết kế để bảo đảm được khả năng chịu lực, đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia cũng như của thế giới. Trên toàn tuyến sử dụng 29% kết cấu là cầu, 7% kết cấu là hầm và hơn 60% kết cấu là nền đường.
Các công trình ga được bố trí phù hợp với quy hoạch và đáp ứng được yêu cầu vận tải, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khu vực, phát huy được tiềm năng kinh tế, thương mại của các địa phương. Thời gian tới, khi có đủ các số liệu khảo sát, thiết kế chi tiết, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo tối ưu, giúp dự án được thực hiện đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, dự án có tiến độ rất gấp, quy mô lớn, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Hơn nữa, với chủ trương của Đảng về tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026 - 2030 thì việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sẽ là một động lực để góp phần tăng trưởng.
Trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được Quốc hội thông qua cho đường sắt tốc độ cao và những đặc thù của dự án, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các đại biểu, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng 15/19 cơ chế chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và thêm vào 3 cơ chế chính sách khác…
Trước đó, thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án, đồng thời cho rằng dự án được lập cơ bản phù hợp chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch vùng và các quy hoạch tỉnh có liên quan đã được phê duyệt.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội nhận định, dự án không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là đòn bẩy để chuyển giao công nghệ và phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước. Do đó, cần ưu tiên đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước ở ba lĩnh vực là xây dựng hạ tầng (đường, cầu, hầm), sản xuất đường ray và đóng toa xe.
Theo đại biểu, các doanh nghiệp trong nước đã khẳng định năng lực đáp ứng nếu được Nhà nước đặt hàng. Việc này có thể tốn kém hơn mua hàng nước ngoài, nhưng sẽ tạo tăng trưởng kinh tế và GDP trong nước. Ngược lại, mua hàng nước ngoài sẽ không mang lại lợi ích này và không giúp Việt Nam có ngành công nghiệp đường sắt.

Quốc hội thảo luận hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: Quốc hội)
Đề cập đến phương án tuyến đường sắt chạy song song và bám sát đường bộ cao tốc Nội Bài - Hà Nội và Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đây là quyết định hợp lý. Tuy nhiên, việc tuyến đường sắt bám sát vào đường cao tốc sẽ làm hạn chế việc bố trí các ga và kết nối với mạng lưới giao thông tại các địa phương. Do vậy, đại biểu đề nghị quan tâm tới việc kết nối giữa ga với các đường hiện có và các tuyến đường có trong quy hoạch của từng địa phương; Rà soát vị trí và quy định chức năng ga để đảm bảo phù hợp với quy hoạch các địa phương, bảo đảm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đại biểu đồng thời đề nghị đánh giá tác động dự án khi hoàn thành sẽ tác động như thế nào đến thị phần vận tải...
Để sớm ổn định chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân chịu ảnh hưởng bởi dự án, đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, cần cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương chủ động quyết định biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành của pháp luật.
Đặc biệt, đại biểu kiến nghị cho phép UBND cấp tỉnh được thực hiện ngay công tác quy hoạch thuộc các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 ngày 26/11/2024 trước ngày Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư xây dựng mới, hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dự án tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng bảo đảm kết nối hiệu quả mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế. Tuyến đường sắt có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện; đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố. Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 03 tuyến nhánh khoảng 27,9km. Tuyến đường sắt điện khí hóa có khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160 km/h; đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120 km/h; các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80 km/h. Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 2.632ha. Hình thức đầu tư dự án là đầu tư công. Tổng mức đầu tư là khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,369 tỷ USD).