Đại biểu Quốc hội tranh luận về vấn đề thu hồi đất
Theo đại biểu Quốc hội, việc Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định rõ đã dẫn đến có trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thực chất là vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thảo luận tại hội trường về Luật Đất đai sửa đổi ngày 21/6, nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đề nghị bổ sung giải thích thuật ngữ “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng", vì pháp luật hiện hành chưa quy định giải thích. Không quy định cụ thể sẽ gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan thực thi trong việc áp dụng pháp luật về thu hồi đất.
Đại biểu đề nghị dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải đáp ứng 3 tiêu chí cụ thể sau: Phải mang lại lợi ích chung cho nhân dân của một xã, của một huyện, của một tỉnh hoặc là của một vùng; do ngân sách Nhà nước đầu tư thực hiện hoặc là đầu tư theo phương thức đối tác công tư; mục đích thực hiện là công cộng.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh; tuy nhiên cũng không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai. Vì vậy, ông cho rằng dự thảo Luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong Luật.
Đại biểu Lê Hữu Trí cho biết thêm, Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất không hoàn toàn để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp.
Vì vậy, ông cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng an ninh; nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, theo đại biểu, cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
"Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất. Nhà nước cần tiến hành các biện pháp thu hồi diện tích đất đó nhằm bảo đảm các dự án không bị tắc nghẽn, đồng thời có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất". Đại biểu Lê Hữu Trí
Đại biểu Lê Hữu Trí còn đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích phạm vi thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể của việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Cũng băn khoăn về quy định thu hồi đất, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) dẫn quy định tại Điều 79 dự thảo về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và điểm b khoản 1 Điều 126 dự thảo quy định về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định.
Theo đó, đối với dự án nhà ở thương mại quy mô từ 10 ha trở lên (tại khu vực nông thôn), từ 5ha trở lên (tại khu vực đô thị) thì thuộc trường hợp phải đấu thầu để thực hiện dự án có sử dụng đất và Nhà nước phải thực hiện việc thu hồi đất.
Theo quy định trên thì những dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha (đối với khu vực nông thôn) dưới 5 ha (đối với khu vực đô thị) sẽ không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phải thỏa thuận để nhận quyền sử dụng đất; phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.
Đại biểu Hiền đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh giảm quy mô diện tích dự án nhà ở thương mại tại điểm b khoản 1 điều 126 xuống 5 ha đối với khu vực nông thôn, 3 ha đối với khu vực đô thị. Bà cho rằng ở những tỉnh không phải thuộc trung tâm của vùng kinh tế, các tỉnh miền núi thì quy mô theo dự thảo rất khó khăn trong việc thỏa thuận.
Bà Hiền cũng đề xuất nghiên cứu quy định, đối với dự án nhà ở thương mại mà có 100% diện tích đất nông nghiệp (bao gồm cả diện tích giao thông, thủy lợi nội đồng) mà dưới mức quy định về quy mô diện tích thì Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án và nhà đầu tư không phải thỏa thuận.
Dự án mà nhà đầu tư có quyền sử dụng đất (không phân biệt phải có đất ở hoặc đất ở và các loại đất khác) để thực hiện dự án thì được phép chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở thương mại.
Đóng góp ý kiến đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm các trường hợp thu hồi đất đối với các dự án phát triển khu đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu dân cư nông thôn, dự án chỉnh trang đô thị, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn. Đây là mảng trọng yếu, Nhà nước phải làm nhưng rất cần xã hội hóa việc giải phóng mặt bằng, thường tư nhân không làm hoặc khó làm.