Đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định thời hạn sử dụng chung cư
Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý tại tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên thảo luận ngày 5/6.
Nghiên cứu "van" khóa tình trạng "bong bóng" bất động sản
Tham gia thảo luận tại tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông đã đọc cả 3 dự thảo luật, bao gồm Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Bất động sản nhưng vẫn chưa tìm thấy "van" để khóa tình trạng "bong bóng" bất động sản, "bong bóng" nhà ở.
Theo ông Minh, Trung Quốc đang dư 30 triệu ngôi nhà, năm 2008 Mỹ dư 500.000 ngôi nhà, Nhật Bản cũng dư 3 triệu căn. Điều này gây lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Trong khi đó, hầu hết quốc gia châu Âu, Hàn Quốc đều có "van" điều tiết "bong bóng" bất động sản bằng cách đánh thuế việc mua nhanh bán ngay (mua bán "lướt sóng").
Nghĩa là, trong những trường hợp mua bán "lướt sóng", Nhà nước sẽ thu lại gần 50% lợi nhuận trong năm đầu tiên, đến năm thứ 2 Nhà nước thu ít đi và đến năm thứ 10 thì người mua nhà mới được mua nguyên giá theo thuế thông thường.
"Nếu Nhà nước đánh thuế bất động sản 2% thì đến năm thứ 10, người mua nhà mới được hưởng mức thuế này", ông Minh lấy ví dụ và cho rằng nên nghiên cứu xem xét có "van" để khóa tình trạng "bong bóng" bất động sản, "bong bóng" nhà ở và đưa vào một điều khoản trong Luật Nhà ở (sửa đổi) để điều tiết việc này.
Ủng hộ chung cư có niên hạn
Phát biểu ý kiến tại tổ, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, muốn tái thiết được những chung cư cũ, xuống cấp, không an toàn, phải quy định thời hạn sử dụng.
Theo ông Dũng, quy định chung cư có thời hạn là thể hiện Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống người dân. Nếu đã có quy định, dù chưa đến thời hạn hoặc sát thời hạn mà chung cư xuống cấp, người dân tự nguyện đồng tình thì Nhà nước cũng đứng ra làm.
Trong trường hợp nếu sở hữu chung cư không có thời hạn, đến lúc công trình xuống cấp, hỏng hóc, yêu cầu Nhà nước phải có trách nhiệm là điều phải tính toán lại.
"Làm lãnh đạo Hà Nội chỉ lo rủi ro cháy nổ, động đất thì không biết hậu quả thế nào đối với chung cư cũ. Thực tế thành phố nhiều nhà lắp ghép, cơi nới nên rất áp lực, lo lắng", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thực tế và đề nghị cải tạo chung cư phải gắn với tái thiết đô thị.
Đồng thời, ông Dũng cũng đề nghị bổ sung chế tài bắt buộc trong luật về việc các chủ đầu tư này phải đảm bảo việc đầu tư hạ tầng xã hội cho các dự án nhà ở thương mại.
Nêu thực tế tại Hà Nội, nhiều dự án chủ đầu tư bán xong nhà nhưng không chịu xây dựng hạ tầng xã hội, thiếu trường học, bệnh viện, ông Dũng cho biết, thành phố đã yêu cầu với những dự án không đầu tư hạ tầng xã hội sẽ thu hồi lại, đề nghị tiếp tục đầu tư, có thể bằng ngân sách hoặc kêu gọi nhà đầu tư thứ phát khác.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Bí thư Huyện ủy Hoài Đức) cho biết, tại nhiều nước, tỷ lệ nhà ở có niên hạn sử dụng chiếm 70%, nhà ở lâu dài chiếm 30%.
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, xu hướng vợ chồng trẻ ở đô thị hiện nay cũng muốn sở hữu nhà có niên hạn hơn là tài sản mang tính kế thừa. Do vậy, đại biểu ủng hộ quy định chung cư có niên hạn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng đồng tình với dự thảo cũ của Bộ Xây dựng theo hướng chung cư phải có thời hạn công trình. Trong trường hợp chung cư hết thời hạn, kiểm định vẫn tốt thì tiếp tục sử dụng, còn không đảm bảo thì phá dỡ.
Đề xuất thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị
Cũng góp ý về Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng cần phải có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối.
Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định bố trí tỷ lệ diện tích đất nhất định (theo quy định của luật hiện hành là 20%) trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội.
Đại biểu cũng đồng tình với quy định tại Điều 84 về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng. Trên cơ sở tính đủ chi phí của nhà đầu tư và tỷ lệ lợi nhuận hợp lý vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do khả năng đảm bảo quỹ đất, giá cả nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cho các dự án nhà ở xã hội ở mỗi địa phương cũng khác nhau, đại biểu ủng hộ việc ghi vào luật tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. Bởi chỉ khi đó, đối tượng của nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng.
Bà Yên cũng cũng đề nghị, khi xây dựng khung, bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế thì cần tính toán đến khả năng mua/thuê nhà ở xã hội.
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp tập trung, khu kinh tế dứt khoát phải có các dự án nhà ở xã hội cung cấp chỗ ở cho người lao động với mục đích phi lợi nhuận.
Thậm chí, có thể thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung quy mô lớn để các doanh nghiệp có nhiều công nhân chưa có chỗ ở thì đóng góp vào quỹ để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động", bà Yên đề nghị.